Hà Nội nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh doanh trở lại: “Đừng hài lòng với độ phủ vaccine của lần 1”
Hà Nội nới lỏng giãn cách: "Cho mở cửa trở lại nhưng các khâu liên quan lại vẫn đóng"
H.Anh
Thứ sáu, ngày 17/09/2021 10:04 AM (GMT+7)
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội cho phép 19 quận huyện được phép mở cửa cơ sở kinh doanh trở lại là cần thiết. Nới lỏng giãn cách không có nghĩa là “buông” không phòng chống Covid-19, thay vào đó là đầu tư phòng chống Covid bằng cách khác, công cụ khác.
Từ 12h ngày 16/9, Hà Nội cho phép 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng được phép mở cửa kinh doanh trở lại. Xung quanh vấn đề này, góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Thưa bà, Hà Nội vừa chính thức cho phép một số dịch vụ thiết yếu như kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng mang về; văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập... tại 19 quận, huyện được mở cửa trở lại. Bà đánh giá thế nào về quyết định này?
- Việc Hà Nội nới lỏng giãn cách, mở cửa cho một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động trở lại là đúng, tất yếu. Thực tế, thời gian qua để đảm bảo mục tiêu chống dịch Covid-19 cuộc sống của người dân và doanh nghiệp tại Thủ đô rất căng thẳng, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp.
Chẳng hạn như quy định thay đổi giấy phép từ nơi cấp là Ủy ban phường sang Công an phường và chỉ ban hành được 1 ngày đã không thực hiện được và phải quay lại sử dụng giấy đi đường cũ, cho thấy Hà Nội chưa suy nghĩ tính toán thấu đáo, thiếu xem xét tình hình thực tế.
Mặc dù, Hà Nội cũng phải cảnh giác chứ không thể để dịch bệnh bùng lên nhưng những bài học của TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy rõ là cần làm như thế nào và nên làm như thế nào để có thể vừa đạt được mục tiêu về phòng chống dịch vừa có thể đạt mục tiêu cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng quá mức.
Vậy việc nới lỏng giãn cách và mở cửa như bước đi đầu tiên của Hà Nội theo bà có đảm bảo được cả 2 mục tiêu bà vừa nhắc đến hay không?
- Chúng ta nới lỏng giãn cách không có nghĩa là "buông" không phòng chống Covid-19, mà thay vào đó là đầu tư phòng chống Covid nhưng bằng cách khác, công cụ khác như tiêm vaccine – đây là việc cần thiết số 1 hiện nay.
Hiện tại, tiêm chủng Hà Nội đã tiêm tương đối cơ bản và mũi đầu tiên đã bao phủ tương đối rộng. Bây giờ tiếp tục thực hiện 5k, tiếp tục đảm bảo đủ vaccine để tiêm mũi 2 cho người dân.
Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm đợt 1, phải đảm bảo đầy đủ vaccine cùng loại để người dân được tiêm.
Hơn nữa, cũng là vaccine cố gắng làm sao có được vaccine chất lượng cao tạo sự yên tâm cho người dân.
Chúng ta cũng không nên hài lòng với độ phủ vaccine của lần 1, bởi lần thứ 2 nhiều khi còn khó hơn vì qua việc tiêm mũi 2 với một số đối tượng đã thấy rõ, việc đảm bảo về thời gian tiêm không được đáp ứng do thiếu thuốc.
Căn cơ hơn là phải xem rà soát lại hệ thống y tế của Hà Nội xem thiếu thốn như thế nào từ bệnh viện, trang thiết bị, nhân lực. Đầu tư vào y tế phải là đầu tư quan trọng nhất trong thời gian tới, kể cả trước đầu tư về kinh tế.
Tất nhiên những vấn đề này phải theo một chương trình chung của Chính phủ giao cho Bộ y tế, các chuyên gia chuyên ngành góp ý kiến thêm dựa trên thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm từ các nước khác nhưng bản thân Hà Nội cũng phải tính đến chứ đừng ngồi chờ Trung ương, chờ Bộ Y tế làm. Một khi Thành phố làm tốt các công tác chuẩn bị, khi vấn đề xảy ra sẽ luôn có tâm thế chủ động và việc vượt qua khó khăn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Xét về kinh tế, việc mở cửa các hoạt động kinh doanh trở lại, theo tôi Hà Nội cũng phải tính toán như TP.HCM là có kịch bản cho 3 thời kỳ khác nhau, cho các mức độ khác nhau chứ không thể làm đồng loạt hay mở cửa cho tất cả các hoạt động kinh doanh ngay vào lúc này. Và bước đầu quyết định cho một số lĩnh vực dịch vụ quay trở lại kinh doanh tại một số quận huyện không bị lây nhiễm nhiều nhất là từ 6/9 tới nay, theo tôi là phù hợp.
Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một số điểm. Đối với dịch vụ hoặc các hoạt động tập trung đông người, thậm chí phòng kín kể cả có máy lạnh cũng hạn chế, chưa mở ra vội. Các dịch vụ như vũ trường, karaoke,.. không cần thiết đối với cuộc sống của người dân nên hạn chế thẳng thừng.
Vậy những ngành nào nên mở? Tôi nghĩ, Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung phải chuẩn bị những danh mục các sản phẩm, dịch vụ bị ngăn cản hoặc được mở nhưng có điều kiện thay vì đưa ra danh mục những gì thiết yếu được mở cửa trở lại.
Thời gian vừa qua, chúng ta áp dụng nguyên tắc là những mặt hàng được coi là thiết yếu thì được kinh doanh. Điều đó đã tạo sự mù mờ cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Doanh nghiệp không biết hàng của mình có phải thiết yếu hay không, người dân càng không nắm được. Có những sản phẩm mới giãn cách coi là chưa thiết yếu nhưng giãn cách một số ngày lại trở thành thiết yếu ví dụ như bình gas chẳng hạn,…
Thế nên xưa nay luật pháp thường được thiết kế theo nguyên tắc những gì nhà nước cấm thì công bố rõ là cấm không được làm, những gì làm những có điều kiện cũng phải quy định rõ trong luật.
Ngoài ra, việc mở cửa kinh doanh trở lại phải đảm bảo cả tương quan giữa sản xuất, dịch vụ và chuỗi cung ứng để có thể tiếp nối được với nhau, gắn kết với nhau và cùng đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Song song với đó, phải tạo điều kiện cho người dân được đi lại tương đối bình thường, nhất là những người đã tiêm chủng đủ để họ có thể tiếp cận được hàng hóa, dịch vụ.
Ví dụ như việc công bố cho bán hàng mang về phải kèm theo đó là hướng dẫn người dân đi đường như thế nào, có phải xin giấy phép nữa hay không? Một người bán hàng được hay không phải có khách hàng, có người vận chuyển người cung ứng đầu vào, nhân viên làm việc cho nhà hàng,… tức là có rất nhiều điều kiện gắn với nhau, vậy nên không phải chỉ tuyên bố cho các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại nhưng các khâu liên quan đến lại bị ngăn cản.
Đặc biệt, Hà Nội là trung tâm kinh tế xung quanh là loạt tỉnh phía Bắc, kể cả các tỉnh miền Trung cũng có nhiều quan hệ kinh tế với Hà Nội. Vì vậy, giao thương phải được thông suốt. Bởi nếu không thông suốt thì có cho các doanh nghiệp Hà Nội làm cái nọ cái kia thì cũng không có nguyên liệu đầu vào, không có nhân công phù hợp và không có cả đầu ra.
Để các chính sách của Hà Nội mang lại hiệu quả cao nhất, theo bà còn cần phải lưu ý điều gì không?
- Tôicũng vừa trao đổi với một số doanh nghiệp họ nói vẫn đang rất hoang mang không biết văn bản của Hà Nội cho phép một số lĩnh vực dịch vụ quay trở lại kinh doanh được hiểu thế nào và thi hành ở các cấp như thế nào?
Thực tế, thời gian qua Thành phố ban hành quyết định nhưng doanh nghiệp có khi lại vấp phải những rào cản từ xã phường chứ không phải từ chính quyền Thành phố. Vì vậy, chính sách ban hành không chỉ cần có độ "dài hơi" nhất định mà phải làm thật rõ nội dung nội hàm của những thay đổi.
Ví dụ, đi kèm với quyết định kể trên phải công bố công khai minh bạch danh sách mặt hàng được mở cửa. Đồng thời, phải tuyên bố luôn rút bỏ quyền gì giấy phép gì của các tổ nhóm nào đã đứng ra làm công tác giám sát kiểm soát dịch trong thời gian qua hay dỡ bỏ chốt nào, loại bỏ những loại quyền lực nào cũng phải làm rõ.
Cái khó không phải chỉ là chuyện yêu cầu rõ ràng cho người dân, doanh nghiệp thực hiện mà chính là cho bộ máy chính quyền hiểu cho đúng, thực hiện cho đúng. Thời gian qua, nhiều nơi xảy ra tình trạng lạm quyền cho phép làm 1 thì ông làm tới 10, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thậm chí có những phường xã bắt người dân tự mình ký cam kết không mắc Covid. Làm sao mà họ cam kết thế được – đó là những cái vô lý.
Hay như có phường bắt người dân không tiêm vaccine phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh. Người dân không tiêm có thể vì nhiều lý do kể cả lý do về bệnh lý không tiêm được. Chúng ta không thể bằng biện pháp hành chính bắt ép nhau như thế được và ai cho phường quyền được như thế?.
Tóm lại, đây là dịp giảm bớt giãn cách nhưng một mặt khác là chấn chỉnh lại đội ngũ làm việc của chính các ban ngành, các cấp khác nhau của Hà Nội đã lập ra.
Nới lỏng giãn cách và cho các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại, chính quyền địa phương, cùng các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp ra sao, thưa bà?
- Câu chuyện hỗ trợ chắc chắn vẫn cần. Có những người kiếm ăn hàng ngày chứ không có tích lũy nên việc kéo dài giãn cách như thế này họ không có thu nhập thì bản thân người lao động và gia đình họ rất khó khăn. Việc cứu trợ vẫn phải tiếp tục thực hiện.
Đối với doanh nghiệp, cần hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu sẽ là nguồn vốn. Điều kiện vay của các ngân hàng phải thuận lợi hơn. Báo cáo gần đây vẫn cho thấy ngân hàng lãi nhiều trong khi hầu hết các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Nếu cần thiết có thể có thêm hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách thành phố, hoặc ít nhất phải bảo lãnh để ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay phục hồi sản xuất. Tôi nghĩ việc đó nằm trong tay chính quyền địa phương có thể làm được.
Trong trung hạn, những lĩnh vực và ngành nào thực sự có khả năng phát triển hay thế mạnh của Hà Nội thì chú trọng khai thác phát triển. Covid cũng như các cuộc khủng hoảng khác, đây là dịp loại bớt những thực thể quá yếu kém không có khả năng tồn tại được. Vì vậy, chúng ta không thể phát triển lại mà phát triển theo kiểu dàn hàng ngang cùng tiến được.
Những kế hoạch dài hơi này cần phải có nghiên cứu đầy đủ nhưng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ chứ đừng để kiểu chính sách ăn đong theo từng thời gian ngắn một.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.