Hà Nội: Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản

Hồng Liên Thứ năm, ngày 08/08/2019 05:30 AM (GMT+7)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội vừa phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) tổ chức "Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn và công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019".
Bình luận 0

Trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ

Ngày 19/5/2015, Bộ NNPTNT đã ban hành Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội. Theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.Hà Nội, sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội, đến nay, đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (tăng 184 chuỗi, đạt tỷ lệ 34% so với năm 2018).

img

Ông Nguyễn Văn Sửu (thứ hai từ trái sang)- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tham quan các gian hàng tại hội nghị. TTXVN

Tại hội nghị, TP. Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, nông sản an toàn với 21 tỉnh, thành phố cùng một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, riêng TP.Hà Nội đã duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê… Đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng, hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP.Hà Nội với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển sang địa chỉ check.gov.vn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội đánh giá, cả nước hiện có khoảng 1.200 chuỗi cung cấp rau thịt an toàn, trong đó, Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh đã làm được 727 chuỗi, việc phát triển các chuỗi cung cấp này có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ chứng minh về nguồn gốc và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển chuỗi rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại.

Cụ thể, việc triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế; công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; việc tuyên truyền tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố theo địa chỉ hn.check.net.vn và đăng ký mã QR cho sản phẩm của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn...

Sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, ông Tạ Văn Tường cho hay, cùng với việc phát triển chuỗi rau, thịt an toàn, Hà Nội sẽ lựa chọn, nhân rộng ra thêm nhiều sản phẩm khác.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối trên địa bàn vì đây là nơi luồng sản phẩm của các tỉnh đi qua rất lớn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để có thể sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) – nhấn mạnh, bên cạnh việc thúc đẩy các chuỗi liên kết thì cần phải đẩy mạnh khâu chế biến, nếu không sẽ không thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do như hiện nay.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội cho biết: Kết quả thực hiện thời gian qua là rất tích cực, nhưng cần quyết liệt hơn, cụ thể hoá thành hành động. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng nông sản được đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập hiện nay đòi hỏi Hà Nội đã thực hiện nhưng cần tổ chức tốt hơn nữa để đưa nông sản Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung từng bước tiến ra thế giới.

Ông Sửu đề nghị, Hà Nội cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và chợ thương mại điện tử. Đặc biệt, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, thành phố chung tay cùng Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hoá, phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho Thủ đô. Trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng mặt hàng…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem