Hà Nội: Sẽ rót thêm vốn cho những xã làm tốt

Thứ sáu, ngày 29/03/2013 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét…
Bình luận 0

"Rút" bớt kinh phí của những xã làm… dở

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội, tính đến nay, toàn TP đã có 12 xã đạt đủ các tiêu chí về xây dựng NTM; 100% số xã đã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM; 236/401 xã cơ bản đạt 10 - 19 tiêu chí. Tổng kinh phí để triển khai xây dựng NTM trong năm 2013 sẽ là trên 9.965 tỷ đồng.

img
Mô hình trồng hoa ở Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) cho thu nhập 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Đánh giá về tiến độ triển khai xây dựng NTM, ông Nguyễn Công Soái- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 - Ctr/TU TP. Hà Nội cho rằng, đã có nhiều huyện như Chương Mỹ, Phú Xuyên… thực hiện rất tốt Chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, ông Soái cũng yêu cầu: "Đối với các xã điểm chưa hoàn thành các tiêu chí NTM, cần khẩn trương để đến quý III tới sẽ đạt đủ tiêu chí, đồng thời đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để tập trung phát triển sản xuất". Cũng theo ông Soái, trong thời gian tới, thành phố sẽ "rút" một phần kinh phí của các xã chưa thực hiện tốt "rót" cho các xã làm tốt".

Nhiều kinh nghiệm trong dồn điền đổi thửa

Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội kiến nghị thành phố tiếp tục cho đầu tư các công trình nước sạch, để năm 2015 cơ bản đạt tiêu chí về nước sạch, môi trường. Đồng thời đề nghị thành phố tăng hỗ trợ kinh phí mua máy nông nghiệp cho các HTX.

Ông Trần Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, kết thúc năm 1993, huyện đã trải qua 4 lần dồn điền đổi thửa (DĐĐT), dự kiến đến hết năm nay, huyện sẽ hoàn thành công tác DĐĐT ở 29/32 xã với diện tích đạt 8.000ha. Theo ông Lâm, có được kết quả này, một phần do huyện có mô hình xã điểm NTM Thụy Hương, từ đó đã nhân rộng ra các xã khác.

Ông Lâm cho biết, để làm tốt việc DĐĐT phải làm tốt công tác vận động, trao đổi với người dân. "Nhiều lần Ban DĐĐT phải ngồi họp với dân đến 12 giờ đêm để bàn phương án DĐĐT. Trước trung bình mỗi hộ có từ 4 - 6 thửa, giờ chỉ còn 1 - 2 thửa, với diện tích khoảng 4 - 7 sào/thửa" - ông Lâm chia sẻ.

Ông Chu Phú Mỹ- Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cũng chia sẻ: "Theo tôi, để làm tốt việc DĐĐT không có cách nào tốt hơn là bàn với người dân, giải thích để dân hiểu lợi ích của việc DĐĐT".

Bên cạnh các địa phương làm tốt, vẫn còn một số địa phương "mắc" , đến nay vẫn chưa triển khai được công tác DĐĐT như thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem