Hà Nội thiếu kinh phí kiểm định nhà tập thể chờ sập?

Minh Khôi Thứ tư, ngày 07/10/2020 08:01 AM (GMT+7)
Bên cạnh bất cập về vì "tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối", việc cải tạo các khu tập thể cũ ở Hà Nội, đơn cử như khu tập thể 3 tầng ở đường Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) còn vướng cơ chế tài chính kiểm định chất lượng công trình.
Bình luận 0

Chưa có kinh phí kiểm định

Như Dân Việt đã thông tin, khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1970. Đến nay, tình trạng khu tập thể này đã xuống cấp khiến hàng trăm hộ dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng.

Đáng chú ý, việc cải tạo khu tập thể này đã có chủ trương từ năm 2016 nhưng tới nay, vẫn dậm chân tại chỗ do vướng nhiều bất cập như: Tỉ lệ đồng thuận 100% của các hộ dân; chậm trễ trong việc kiểm định chất lượng công trình…

Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tháng 2/2016, Thủ tướng có Chỉ thị số 05 về rà soát các công trình nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, thống kê, đánh giá, phân loại mức độ an toàn.

Hà Nội thiếu kinh phí kiểm định nhà tập thể chờ sập? - Ảnh 1.

Hàng trăm hộ dân khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong, quận Hà Đông hàng ngày phải sống trong lo lắng vì công trình đã xuống cấp, tiềm ẩn những rủi ro mất an toàn.

Tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng tổng hợp, lập danh mục cần kiểm định chi tiết các công trình trên địa bàn có tình trạng kỹ thuật mức 3 và mức 2; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, báo cáo thành phố nguồn kinh phí, tiến độ thực hiện.

Qua 4 đợt khảo sát với hơn 1.200 công trình ở TP Hà Nội, có 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1) và 110 công trình không khảo sát được do không xác định được vị trí hoặc đã xây dựng lại…

Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội dự kiến tổ chức kiểm định chi tiết 951 công trình thuộc mức 3 và mức 2. Trong đó, có 480 công trình là các chung cư cũ, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng trực thuộc Hà Nội xuống cấp ở mức 3. 

Đặc biệt, trong số 480 công trình này có 33 công trình là các nhà tập thể, chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm, cần kiểm định chi tiết ngay. Sở Xây dựng đã kiến nghị lên UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép thực hiện khảo sát kiểm định ngay, mức kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.

Hà Nội thiếu kinh phí kiểm định nhà tập thể chờ sập? - Ảnh 3.

Việc kiểm định chất lượng công trình còn nhiều bất cập, cũng là nguyên nhân khiến tiến độ cải tạo nhà tập thể này rơi vào khó khăn.

Danh mục 33 công trình nhà tập thể, chung cư cũ Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị cần kiểm định ngay chủ yếu nằm ở các quận nội thành: Ba Đình (1 công trình); Đống Đa (11 công trình); Hai Bà Trưng (3 công trình); Long Biên (2 công trình); Thanh Xuân (1 công trình); Hà Đông (11 công trình)… Khu tập thể 3 tầng ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông có gần 200 hộ dân đang sinh sống xuống cấp ở mức 3, được Sở Xây dựng đưa vào danh sách cần kiểm định chi tiết ngay.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện kiểm định chi tiết những công trình nhà tập thể, chung cư cũ của thành phố. Nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, các căn hộ đều đã bán cho người dân còn phần hành lang, cầu thang, hạ tầng xung quanh vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, theo nguyên tắc tài chính thì phải phân định ngân sách bỏ ra bao nhiều tiền và người dân bỏ ra bao nhiêu tiền trong tổng số kinh phí kiểm định chất lượng công trình.

Cũng theo Sở Xây dựng, việc kiểm định rất cần thiết để nắm được tình trạng công trình có đảm bảo cho người dân sinh sống trên đó hay không, nếu không đáp ứng được, cần thiết ban hành quyết định di dời. Ở Hà Nội, đã có trường hợp phải ra quyết định di dời khẩn cấp cư dân khỏi nhà chung cư cũ vì xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm.

Nghiên cứu sửa nghị định, 'cởi trói' cải tạo chung cư cũ

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng thực hiện được nêu tại thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà tập thể cũ) tại các đô thị lớn thời gian qua, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng công tác này còn gặp khó khăn, bất cập. Đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô.

Từ đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Hà Nội thiếu kinh phí kiểm định nhà tập thể chờ sập? - Ảnh 5.

Việc cải tạo các khu nhà tập thể xuống cấp đang ngày càng trở nên cần thiết, đảm bảo an toàn cho người dân.

Liên quan đến quy định này, thời gian vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong đó đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện kế hoạch xây dựng lại chung cư cũ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, trước đây, Luật Nhà ở 2005 đã quy định tại Khoản 2 Điều 89: "Việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được 2/3 (khoảng 66%) tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý", đã giúp cho công tác phá dỡ nhà chung cư cũ được tiến hành nhanh hơn. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ trong Luật Nhà ở 2014. Tại khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 quy định: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được tất cả (100%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư".

"Quy định này là một trở ngại cho việc quyết định phá dỡ nhà chung cư cũ. Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 theo hướng: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được tối thiểu khoảng 80% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư; Quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ để xây dựng lại được đảm bảo như nhau", nhằm để giúp cho việc quyết định phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới được thực hiện thuận lợi hơn", ông Châu nói.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có hơn 600 nhà chung cư, tương đương khoảng 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm (phân loại cấp C,D). Thế nhưng, 10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).

Riêng Hà Nội dẫn đầu với khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. UBND thành phố Hà Nội đã giao gần 20 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ. Ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem