Hà Nội: Triển khai 5 chương trình sản xuất nông nghiệp tập trung

Thứ sáu, ngày 17/05/2013 09:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa.
Bình luận 0

Để cụ thể mục tiêu này, hiện thành phố đang tập trung triển khai cùng lúc 5 chương trình, đề án vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2010-2015.

Hình thành nhiều vùng chuyên canh

5 chương trình, đề án vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của Hà Nội là: Chương trình phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội; Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản; Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh; Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao.

img
Đến năm 2016, Hà Nội sẽ có 86.000ha lúa chất lượng cao (nông dân xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ chăm sóc lúa hè thu).

Mặc dù mới đang ở trong giai đoạn triển khai, song bước đầu trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa với năng suất và giá trị thu nhập cao như: Vùng sản xuất lúa chất lương cao, vùng sản xuất rau an toàn (RAT), vùng cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung. Các vùng sản xuất này chủ yếu tập trung tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức…

Về đề án phát triển hoa, cây cảnh, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2016, diện tích sản xuất hoa, cây cảnh đạt 2.165ha với tốc độ mở rộng vùng 60-80ha/năm. Trong đó, chú trọng đến phát triển hoa giá trị kinh tế cao như hoa hồng, lily, lan, đào…

Đối với Đề án phát triển rau an toàn, cho đến nay Hà Nội đã lập xong công tác quy hoạch và định hướng đến năm 2015, dự kiến sẽ quy hoạch 110-120- vùng sản xuất RAT tập trung với tổng diện tích 5.000ha tại hầu hết các huyện ngoại thành. Tính đến hết tháng 3, thành phố đã lập được 31 dự án đầu tư xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích trên 2.000ha, trong đó đã có 15 dự án được phê duyệt.

Trước mắt, đã có 3 vùng sản xuất RAT tập trung quy mô lớn được hình thành là Văn Đức (Gia Lâm) 250ha, Duyên Hà, Yên Mỹ (Thanh Trì) 106ha và Thanh Đa (Phúc Thọ) 50ha. Dự kiến, TP.Hà Nội sẽ đầu tư tới gần 7.464 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ gần 964 tỷ đồng, còn lại là vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và dân.

86.000ha trồng lúa chất lượng cao

Bên cạnh việc triển khai đề án RAT, một chương trình đang được Hà Nội chú trọng là sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Chương trình này đã được thành phố phê duyệt từ ngày 17.3.2011 với mục tiêu đến năm 2015 có 100-103 vùng sản xuất tập trung với diện tích khoảng 85.000-86.000ha tại 8 huyện. Sau 3 năm triển khai, chương trình này đã có nhiều kết quả tích cực.

Tính đến hết vụ xuân 2013, Hà Nội đã xây dựng thêm 6 điểm mới với quy mô mỗi thửa ruộng từ 150-200ha để sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, T10, Nàng Xuân, Hương Thơm số 1, nếp Lang Liêu… Như vậy, đến nay, Hà Nội đã có 40 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành, nâng tổng diện tích đạt 11.000ha. Tuy nhiên, chương trình này vẫn còn hạn chế như: Quy hoạch một số điểm chưa tập trung, chọn giống, chăm sóc chưa tốt; Công tác hỗ trợ kinh phí cho nông dân còn chậm…

Đánh giá chung về các chương trình, đề án sản xuất nông nghiệp tập trung của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của Hà Nội hiện nay là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn chậm, chưa có trọng tâm. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ và phân tán; chưa có khu hạ tầng sản xuất, dịch vụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem