Hà Nội truy tìm chủ đầu tư vụ cây xanh lộ cả bầu nilon khi gãy đổ
Hà Nội truy tìm chủ đầu tư vụ cây xanh lộ cả bầu nilon khi gãy đổ
Nguyễn Hoà
Thứ năm, ngày 03/10/2024 15:50 PM (GMT+7)
Liên quan việc một số cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão số 3 ở TP.Hà Nội vẫn còn nguyên bọc nilon, nhà chức trách cho biết sẽ truy tìm chủ đầu tư để yêu cầu thực hiện trách nhiệm của đơn vị liên quan.
Chiều 3/10, tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế, xã hội quý III năm 2024 của UBND TP.Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan việc nhiều cây xanh của Hà Nội phát hiện còn nguyên cả bầu nilon sau khi gãy đổ, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đã có phản hồi chính thức về vụ việc.
Theo Giám đốc trung tâm hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội), cơn bão số 3 được đánh giá có gió mạnh nhất trong vòng 30 năm trên biển, 70 năm trên đất liền và đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất, mức độ giảm cấp trên đường đi theo quy luật bất thường.
Khi vào đến Hà Nội, mặc dù cấp bão giảm nhưng vẫn kèm theo mưa lớn, gió to; đa số cây xanh bị gẫy đổ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là do không thể chống chịu được sức tàn phá của thiên nhiên (lượng cây già cỗi lớn, môi trường đô thị hạn hẹp khiến bộ rễ không phát triển được).
Theo thống kê, với loại cây TP.Hà Nội quản lý thì có 11.756 cây gãy, đổ. Cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây, cây chuyển về vườn ươm để cứu là 608 cây; tổng số cây dựng tại chỗ và đưa về vườn ươm cứu là 4.103 cây.
Hà Nội sẽ truy tìm chủ đầu tư các dự án trồng cây xanh để yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện trách nhiệm của mình liên quan vụ cây trồng còn nguyên bầu nilon. Ảnh: Dân Việt
Cây gãy, đổ không cứu được, phải cắt khúc chuyển về để đấu giá thanh lý là 7.635 cây. Tổng hợp cây quý hiếm, cây lịch sử, cổ thụ có 98 cây, trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây (cứu được 33 cây, 2 cây không cứu được vì khi đổ thân bị toác sâu xuống gốc).
Về công tác trồng cây, theo vị đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội, việc trồng cây đã được UBND TP.Hà Nội quyết định ngày 8/12/2020 về quy trình định mức kỹ thuật duy tu, duy trì.
Theo đó, kích thước hố được quy định, kích thước bầu cũng được quy định, độ sâu trồng cũng được quy định rõ ràng.
Với những cây xanh được phát hiện bị gãy đổ với nguyên bầu cây không bóc ra khi trồng, vị đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát, tìm các cây có bầu không được rỡ ra thì thống kê được 12 cây có bầu, trong đó có 7 cây có lưới, thuộc diện vật liệu không tiêu hủy, 5 cây bọc nilon, vỏ bao xi măng. Vị đại diện này đánh giá, các cây bị bọc rễ sẽ không phát triển được, rất dễ đổ và trận bão vừa rồi thống kê được 12 cây trên hơn 11.000 cây đổ.
Cũng theo Giám đốc trung tâm hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội), về bộ rễ của cây xanh, với khu phố cổ Hà Nội khi mở rộng vỉa hè thì cây nằm hoàn toàn trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dưới là cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, có những cây khi cắm rễ xuống đất không cắm được nên rễ cây ăn ngang, đâm chồi lên.
Giám đốc trung tâm hạ tầng đề nghị các quận, huyện khi làm vỉa hè phải phù hợp với cây có sẵn về chiều rộng, cao của bồn cây.
Lý giải về việc cây được trồng khi còn nguyên bầu nilon hoặc vỏ bao xi măng, Giám đốc trung tâm hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc trồng cây không phải do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện.
Sở Xây dựng chỉ thực hiện việc duy tu, duy trì, cắt, tỉa, tưới cây, nhưng đây là 1 việc mà Sở Xây dựng Hà Nội phải chịu trách nhiệm,
"Lần 12 cây này cũng tiếp tục truy tìm chủ đầu tư, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình" – vị đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Trước đó, sau trận bão số 3 (Yagi), hàng nghìn cây xanh tại Hà Nội đã bật gốc, gãy đổ. Phần gốc phát lộ trên mặt đất chủ yếu là rễ chùm hoặc rễ mới phát triển ngang. Nhiều cây bị bật gốc lộ cả lưới bọc bầu đất chưa được tháo gỡ khi trồng khiến nhiều người dân bức xúc, ngỡ ngàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.