Hà Nội và đặc sản cổ vũ bóng đá

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 21/05/2022 12:47 PM (GMT+7)
Hà Nội có nhiều góc cạnh trong đời sống văn hóa: Từ nết ăn nét uống đến vui chơi giải trí, làm việc kiếm tiền. Rồi mỗi khi đội tuyển bóng đá của ta thi đấu, thì người ta lại được chứng kiến một nét cổ vũ, thưởng thức văn hóa rất Hà thành, cuồng nhiệt, hết mình mà không phá phách.
Bình luận 0

Khi chúng tôi bắt đầu biết cảm nhận về cái hay của bóng đá, thì được xem bóng đá bằng "tai" từ 2 nhà tường thuật nổi tiếng Đình Khải và Hoài Sơn trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Những cái tên đội bóng như Tổng cục đường sắt, Hà Nam Ninh, Thể Công … chỉ nghe thôi đã thấy rạo rực.

Sân bóng Cột Cờ, Hàng Đẫy như những thánh đường, được bước vào đấy thấy các cầu thủ chơi bóng, còn thích hơn được ăn một bữa no đặc sản, khi đó bao cấp cả xã hội đói ăn và thiếu thốn.

Tới năm 1998, bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia thực sự trở về với người dân Thủ đô trong khuôn khổ giải đấu Tiger cup. 

Trước đó, năm 1995 chúng ta đã về nhì ở Sea Games trước người Thái, đến Tiger Cup được gặp lại họ trên sân nhà Hàng Đẫy với thế hệ vàng danh thủ: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, ... chúng ta đã lần đầu tiên thắng người Thái với tỉ số 3-0.

Thực sự đêm đó Hà Nội không ngủ, những con phố rợp cờ đỏ sao vàng, xe đạp, xe máy, ô tô và cả người đi bộ, trong tiếng hô vang Việt Nam vô địch. 

Lúc đó chúng tôi là những thanh niên trẻ được hòa vào không khí văn hóa cổ vũ bóng đá của người Hà Nội chạy bộ quanh bờ hồ, mà cảm thấy run rẩy bởi sự máu lửa nhiệt tình của người thủ đô.

Chỉ tiếc rằng năm đó chúng ta đã thua đội tuyển Singapore 1-0 từ một bàn thắng bằng lưng của cầu thủ số 13 đội bạn. Người Hà Nội lại lỡ một cuộc vui trọn vẹn trong tiếc nuối.

Sea Games 19 năm 2003 lại một lần nữa đội bóng của chúng ta vào chung kết trên sân nhà Mỹ Đình với U23 Thái Lan. 

Người Hà Nội lại một lần nữa hi vọng, lại những màn cổ vũ đỏ rực, những tiếng hô vang đạt độ lớn kỷ lục trong sân vận động, những cặp mắt của người hâm mộ dõi theo những diễn biến trên sân cỏ , theo từng hơi thở của cầu thủ. 

Nhưng chúng ta lại một lần nữa về nhì, thất bại ở trận chung kết với tỉ số 1-2. Huy chương vàng bóng đá nam chưa có duyên với Việt Nam, người Hà Nội lại phải nén cơn bùng nổ sau trận chung kết chờ đợi và hi vọng này.

Hà Nội và đặc sản  cổ vũ bóng đá. - Ảnh 1.

Một cụ già ở Hà Nội thể hiện tinh thần cổ vũ bóng đá

Phải đến năm 2008, tại trận chung kết AFF Cup, từ quả đá phạt của đội trưởng Minh Phương, tiền đạo Công Vinh có một quả đánh đầu ngược không tưởng. Việt Nam Vô địch ngay trên sân nhà, chiến thắng chính người Thái. 

Sân Mỹ Đình "nổ tung"  các con phố trung tâm của Hà Nội, lại là những dòng thác đỏ, tiếng hô vang Việt Nam trong niềm tự hào của các cổ động viên lại cất lên. 

Hà Nội ngày đó như một cơ thể chịu nhiều vết thương, nhiều lần hụt hẫng trong bóng đá, đã bừng dậy khỏe mạnh đến lạ kỳ. Bóng đã xóa đi mọi vất vả, mọi bon chen, ngay cả khi người ta đi đường có va vào nhau thì cũng đứng dậy bắt tay thân ái, vì Việt Nam vô địch.

Rồi đến những ngày đầu năm 2018, đội U23 với những cái tên xuất sắc: Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, ... và nhạc trưởng Park Hang Seo trở về từ Thường Châu với những tấm huy chương bạc trên ngực. 

Người Hà Nội vẫn đón các cầu thủ và HLV của mình bằng tất cả tấm lòng hâm mộ. Thực sự thì những cầu thủ đã vô địch trong lòng người hâm mộ vì họ đã cống hiến giọt mồ hôi cuối cùng của họ trên nền tuyết trắng Thường Châu. 

Có lẽ thế giới cũng rất lạ kỳ, khi một đội bóng chỉ về nhì được hàng trăm nghìn người chào đón, từ sân bay về đến trung tâm thành phố Hà Nội, ở đâu cũng phủ kín màu cờ đỏ sao vàng, những tiếng hô vang Việt Nam. 

Nhiều cầu thủ nước ngoài thi đấu ở nước ta, cũng thèm muốn không khí, được chào đón như vậy mà người Hà Nội đã tạo ra, có thể nói đây là một kỳ tích để bày tỏ lòng hâm mộ rất văn minh trật tự.

Những ngày này 2022 người Hà Nội lại có một món quà để chờ đợi. 

Tại Sea Games 31 ngay trên sân nhà Mỹ Đình chiều ngày 22/5/2022 tới đây, các cầu thủ U23 lại đụng độ với người Thái ở trận chung kết. 

Người Hà Nội lại đang nín thở để theo dõi những diễn biến trên sân đấu sắp diễn ra. Rồi những dòng thác cổ vũ sẽ tuôn trào từ sân vận động, đến các con phố: Từ người già tới người trẻ, từ anh công an trật tự, tới những người lao động trên phố.

Chắc chắn sẽ không hề quá khích, không hề phân biệt với một tinh thần cao thượng của thể thao. Đó là một nét văn hóa cổ vũ, rất khó gọi tên, chỉ cảm nhận được một tấm lòng của người Hà Nội, thanh lịch cả trong những lúc bùng nổ hết mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem