Theo kế hoạch, hôm nay (30.1), Hà Nội sẽ ký kết hợp đồng với các tỉnh lân cận để cung cấp rau, thịt sạch cho người dân thủ đô dịp Tết Nguyên đán.
Đảm bảo đủ nguồn cung rau
Có mặt tại các khu vực sản xuất rau lớn chuyên cung cấp cho Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm, Vĩnh Phúc, Hải Dương… những ngày này, chúng tôi đều bắt gặp cảnh người dân đang tất bật ra đồng chăm sóc rau.
|
Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung rau xanh trong dịp Tết Nguyên đán (ảnh chụp tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) |
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) cho hay, mặc dù diện tích đất trồng rau của xã thường xuyên giảm, nhưng bù lại nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng rau, nên sản lượng vẫn ổn định. Hiện tại, mỗi ngày cả xã Văn Đức cung cấp cho Hà Nội từ 30-35 tấn rau các loại như bắp cải, súp lơ xanh, trắng, đậu trạch, cải xanh… Do giáp tết, nên giá các loại rau mấy ngày nay đã tăng lên nhanh chóng, giá rau đã bắt đầu tăng đáng kể.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, dù giá có tăng, song người nông dân vẫn không được hưởng lợi, mà chủ yếu vẫn là “lấy công làm lãi”. Ông Phạm Văn Nghị- một nông dân trồng rau ở Vân Nội, Đông Anh cho biết, giá rau bán tại ruộng cho các thương lái chỉ tăng từ 2.000- 5.000 đồng/kg tùy loại rau chứ không tăng đột biến như ở các chợ nội thị.
Theo số liệu của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 12.041ha sản xuất rau, tập trung ở 22 quận, huyện, thị xã với 40 loại rau, củ, quả khác nhau, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm. Cho đến nay Hà Nội có 25 dự án xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung, với tổng diện tích 1.652ha, trong đó mới chỉ có 9 dự án đã triển khai với 403ha. Diện tích RAT trên vẫn còn quá ít để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người dân thủ đô.
“Thương lái ở các chợ lợi dụng cơ hội thời tiết rét để tăng giá chứ nông dân chẳng được lợi”- ông Nghị tâm sự. Khảo sát tại các địa bàn khác của Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Trì, Sóc Sơn… cũng cho thấy, lượng rau xanh mà người dân chuẩn bị đang khá dồi dào. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị rau cho tết, Hà Nội đã chủ động tăng diện tích trồng rau lên 12.000ha, đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ rau ở Hà Nội, 40% lượng rau còn lại sẽ được nhập từ các tỉnh lân cận. Cho nên, có thể khẳng định, tết này Hà Nội sẽ không thiếu rau.
Ông Nguyễn Hồng Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, đến Tết Nguyên đán, sản lượng rau Hà Nội sẽ ổn định ở khoảng 70.000 – 80.000 tấn, đủ đáp ứng cho nhu cầu rau xanh của người dân Hà Nội, với lượng rau này, giá cả chỉ nhỉnh hơn năm ngoái khoảng 10 – 15%. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Đồng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, mặc dù ảnh hưởng của bão số 8, nhưng Hải Dương đã chuẩn bị đủ lượng rau phục vụ tết tại thị trường trong tỉnh và sẽ cung cấp cho cả Hà Nội.
Người dân vẫn “thèm” rau sạch
TS Lê Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, với diện tích và sản lượng rau như hiện nay, dịp Tết Nguyên đán lượng rau xanh cơ bản đủ cung cấp cho thị trường. Riêng TP. Hà Nội dự báo thiếu khoảng gần 200.000 tấn rau. “Tuy nhiên, các địa phương khác ở khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương… sản lượng rau đều dư thừa từ 30 - 50%, vì thế, có thể cung cấp đủ cho Hà Nội”- ông Doanh khẳng định.
Ghi nhận của phóng viên NTNN cho thấy, thời điểm này, dù nỗi lo thiếu rau tết đã được giải tỏa, song người tiêu dùng Hà Nội vẫn đang rất cần rau sạch. Chị Nguyễn Thị Long, ở ngõ Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đã nhận bán rau an toàn (RAT) gần tháng nay cho hay: “Tôi chủ yếu lấy RAT ở Lĩnh Nam và Song Phương, trung bình mỗi ngày tôi tiêu thụ khoảng 20 chiếc bắp cải, 20kg rau cải xanh, 15kg cải ngọt... Từ khi dán biển RAT, hàng bán chạy và chúng tôi bán cũng có lãi hơn. Nhưng khổ nỗi, nguồn cung cho mặt hàng này rất phập phù, không đủ bán cho khách hàng”.
Khảo sát tại một số điểm bán RAT ở Cầu Diễn (Từ Liêm), chợ Cầu Giấy, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Đống Đa)… cho thấy, hầu hết các điểm đều bán RAT đều rất chạy hàng. So với giá rau thường, RAT có giá cao hơn khoảng 1.000 – 2.000 đồng/mớ hoặc 3.000 – 5.000 đồng/kg tùy theo từng loại rau, củ, quả. “Điểm RAT còn quá ít, nhiều khi chúng tôi đi tìm mua RAT mỏi mắt mà không được. Theo tôi cần đặt thêm nhiều điểm RAT tại các khu vực nội đô, đồng thời quản lý chặt nguồn hàng và các điểm bán, tránh tình trạng người dân mất tiền mua đắt mà vẫn bị ăn rau bẩn” – chị Hoàng Thị Hạnh nhà gần chợ Nghĩa Tân bày tỏ.
Được biết, để cung ứng sản phẩm RAT tới tay người tiêu dùng, Sở NNPTNT Hà Nội đã phối hợp với Công ty VietXan xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch rau, quả và thực phẩm an toàn” với tên miền là: www.sanbanbuon.vn, đồng thời dán tem chứng nhận 29 cơ sở sản xuất RAT tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Hoàng Mai… Sàn giao dịch sẽ cung cấp cho người trồng rau, cũng như người tiêu dùng xuất xứ của các loại rau, củ, quả giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn hơn.
Ngoài ra, trong quý I năm 2013, TP. Hà Nội đã triển khai thí điểm dán tem chứng nhận RAT cho 300 cửa hàng bán rau an toàn tại các khu dân cư trên địa bàn.
Hữu Thông- Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.