Hà Nội: Vì sao chỉ có khoảng 10.000 xe chở khách dưới 9 chỗ đổi phù hiệu?
Hà Nội: Vì sao chỉ có khoảng 10.000 xe chở khách dưới 9 chỗ đổi phù hiệu?
Thế Anh
Chủ nhật, ngày 04/07/2021 10:45 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), mặc dù quy định đã có, nhưng đến nay, mới chỉ có khoảng 10.000/40.000 xe chở khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) của thành phố Hà Nội (bao gồm các loại xe limousine, xe taxi, xe taxi công nghệ) đã hoàn thành cấp đổi phù hiệu.
Việc cấp đổi phù hiệu này là thực hiện theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôt ô.
Giải thích về việc tỷ lệ cấp đổi phù hiệu mới rất ít, Sở GTVT Hà Nội chỉ ra nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn.
Một xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: T.A)
Đặc biệt, hiện có nhiều phương tiện đang phải tạm dừng hoạt động để đợi dịch bệnh được kiểm soát rồi quyết định có tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải nữa hay không.
Để thúc đẩy nhanh tiến độ cấp đổi phù hiệu xe kinh doanh dưới 9 chỗ ngồi, Sở GTVT sẽ tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị sớm triển khai việc đổi phù hiệu. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch cấp đổi phù hiệu được thuận lợi, nhanh chóng khi các đơn vị, chủ phương tiện có nhu cầu.
Đối với mỗi xe được cấp, đổi phù hiệu, Sở GTVT Hà Nội chỉ thu tiền mua phôi ấn chỉ loại mới với giá 2.650 đồng/phù hiệu và không yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải thu thêm bất kỳ loại phí nào của lái xe, cổ đông góp vốn để phục vụ việc cấp đổi phù hiệu.
Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/7/2021, tất cả xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ đang sử dụng phù hiệu hoạt động như hiện nay sẽ hết hiệu lực, cần phải làm thủ tục để được cấp phù hiệu mới. Sau thời gian trên, các xe không có phù hiệu mới sẽ bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020.
Việc chưa xử phạt được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải rằng, thời gian vừa qua, đơn vị này nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô tại một số địa phương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.