Giám đốc Sở nói hạ tầng giao thông Hà Nội đang “chới với đuổi theo” vấn đề gì?
Giám đốc Sở nói hạ tầng giao thông Hà Nội đang “chới với đuổi theo” vấn đề gì?
Bách Thuận
Thứ năm, ngày 07/12/2023 12:33 PM (GMT+7)
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hạ tầng giao thông ở Hà Nội tăng 0,5% nhưng tốc độ tăng phương tiện cá nhân lên từ 4 đến 5% nên xây dựng hạ tầng cứ chới với đuổi theo.
Sáng 7/12, tại phiên chất vấn do HĐND TP.Hà Nội tổ chức, đại biểu Nguyễn Thanh Bình – tổ đại biểu quận Tây Hồ đã chất vấn một số vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình chất vấn: Hiện nay mức độ thực hiện quy hoạch giao thông vận tải ở Hà Nội đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đến 50%; nguồn lực đầu tư của Thành phố có hạn, mặc dù như vậy nhưng Thành phố đang giành 2/3 ngân sách đầu tư công cho các dự án cấp Thành phố của giai đoạn 2021 2025.
Tuy nhiên thực tế có nhiều công trình giao thông đầu tư dàn trải, chậm tiến độ dẫn đến ảnh hưởng đời sống dân sinh; nhiều công trình đầu tư không dứt điểm do đó phải điều chỉnh lại,đội vốn, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó cũng có nhiều dự án chưa được ưu tiên đầu tư nên chưa được tập trung hoàn thành để khép kín các đường vành đai, thông suốt các đường xuyên tâm cải thiện giao thông công cộng.
Đại biểu gửi câu hỏi đến Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có tham mưu thế nào với UBND TP.Hà Nội trong quá trình thẩm định các dự án để tập trung đầu tư cho có hiệu quả; những nguyên tắc lựa chọn, thứ tự ưu tiên đối với các dự án đầu tư như thế nào và có được tuân thủ chặt chẽ hay không.
Vị đại biểu quận Tây Hồ cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đối với các dự án đang chậm thi công; những giải pháp nào để đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư cho hiệu quả.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thực hiện quy hoạch 519 (quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, quy hoạch 519 phê duyệt tháng 3/2016), qua rà soát thấy các chỉ tiêu thực hiện cơ bản dưới 50% (đường bộ thực hiện khoảng 45%, trong đó chỉ tiêu về diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,13% (so với quy định là 20, 26%), chỉ tiêu đường liên khu vực mới đạt 1,3km/km (mật độ quy hoạch 2,6 đến 3km/km2)).
Đặc biệt về vấn đề đầu tư đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến khoảng 417km, trong quy hoạch dự kiến đến 2025 hoàn thành 4 tuyến, hiện mới hoàn thành được tuyến Cát Linh – Hà Đông; dự kiến 2024 hoàn thành đoạn trên cao của tuyến Nhổn – ga Hà Nội, cả 2 tuyến này cộng lại mới được khoảng 27km/417km (6,5% so với quy hoạch).
Quy hoạch cầu qua sông Hồng 18 cầu, mới đầu tư được 9 cầu (6 cầu đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, 3 cầu chưa có dự án), qua sông Đuống cũng tương tự (quy hoạch 8 thì mới làm được 4).
Theo ông Thường, qua theo dõi thấy tốc độ phương tiện cá nhân tăng đột biến, khoảng 4 đến 5%/năm. TP.Hà Nội có 8 triệu phương tiện cá nhân, khoảng 6 triệu xe máy, 1,1 triệu ô tô, còn lại là xe điện; trong đó đặc biệt ô tô tăng khoảng 10%/năm, xe máy tăng 3%/năm.
"Hạ tầng giao thông tăng khoảng 0,5%/năm trong khi tốc độ phương tiện cá nhân tăng khoảng 4 đến 5%/năm Ta cứ xây dựng hạ tầng đuổi theo lượng phương tiện cá nhân thì cứ chới với đuổi theo chứ rất khó đuổi kịp" – Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội nói.
Về nhu cầu, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua rà soát quy hoạch 519, tổng mức đầu tư cho toàn bộ nhu cầu là 1 triệu 694 nghìn tỷ, trong khi đó 2 nhiệm kỳ từ 2016 đến 2025 dự kiến bố trí khoảng 280 nghìn tỷ, còn hơn 1 triệu 400 nghìn tỷ nhu cầu cần nhưng chưa có.
Người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ sự nhất trí với đại biểu rằng đầu tư nhưng không được tập trung. Ông Thường dẫn chứng, vì không tập trung nên hiện nay toàn bộ 7 đường vành đai của Hà Nội chưa có đường nào thông được; 19 đường hướng tâm thì duy nhất 7 tuyến hướng tâm cao tốc là cơ bản, còn lại các đường trục chính, đường tỉnh lộ vẫn còn lõm bõm từng đoạn.
Về các dự án dàn trải, chậm tiến độ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong giai đoạn trước đây việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm tiến độ triển khai.
Ông Thường lấy ví dụ như đường vành đai 2,5 dài 19,4km chia thành 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km thì chia làm 13 đoạn; quốc lộ 1A phía Nam chia làm 11 đoạn và trong đó cá biệt có những đoạn đầu tư có một nửa mặt cắt.
"Trong đợt này, TP.Hà Nội tập trung làm dứt điểm, không dàn trải các dự án… Quan điểm thực hiện là cố gắng đầu tư tọn gói dự án; tập trung đầu tư dự án hoàn thiện, kết nối giao thông giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen tai nạn, thúc đẩy kinh tế xã hội" – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường nêu.
Cũng theo ông Thường, thứ tự ưu tiên thứ nhất là các dự án cấp bách trọng điểm, các đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt…; thứ hai là đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với các tỉnh ngoài…; thứ ba là đầu tư các đoạn kết nối vành đai, đường cao tốc, dự án phục vụ cho 4 huyện lên quận; thứ tư là các tỉnh lộ và trục chính còn lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.