“Diva thứ tư” được mệnh danh là “người thắp lửa”. Biết tin Hà Trần về hát, nhiều gia đình đã phải đặt vé trước cả tháng để cùng nhau bay từ TP.HCM ra nghe chị.
|
Ca sĩ Trần Thu Hà. |
Áp lực từ bên trong
Trong làng nhạc nhẹ Việt Nam, ngoài ba cái tên Thanh Lam- Hồng Nhung- Mỹ Linh thì Trần Thu Hà được khán giả ưu ái tặng cho danh xưng “diva thứ tư”. Tuổi nghề của Hà Trần thua 3 đàn chị một chút nhưng sự biến ảo trong phong cách “tắc kè hoa” lại là một dấu ấn riêng khó phai lẫn.
Khi Hà Trần theo chồng ra nước ngoài định cư và biểu diễn, nhiều phóng viên văn nghệ của cộng đồng hải ngoại hay hỏi chị: “Danh xưng “diva” của làng nhạc nhẹ VN có khiến chị thấy áp lực không?” và Hà Trần đã trả lời rất thành thực: “Áp lực của tôi thực sự đến từ bên trong, đó là luôn phải sáng tạo, luôn phải làm mới mình”.
Nếu ai hiểu Hà Trần sẽ thấy chị không hề phải “diễn kịch” khi nói đến điều này bởi ngay từ nhỏ, Hà Trần đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Sinh ra trong một gia đình mà cái bóng của ông bố NSND Trần Hiếu và ông chú nhạc sĩ tài danh Trần Tiến bao trùm quá rộng, Hà Trần giống như một cây non, cố sức vươn ra ngoài để khẳng định mình không tiến thân trong nghệ thuật theo kiểu “con ông cháu cha”.
Khán giả đã thấy chị “vật vã” để không bị giống bất kỳ ai, cặm cụi tìm một lối đi riêng khi hát hết từ nhạc Dương Thụ, Quốc Bảo, Trung Kiên, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Bình, Vũ Quang Trung, Bảo Phúc... và kết quả là sau mỗi một album của chị, người nghe thấy nhớ hơn nhiều ca khúc tưởng như sẽ rất kén thính giả.
Năm 2002, liveshow “Nhật thực” Hà Trần làm với nhạc sĩ Ngọc Đại đã thực sự “tấn phong” chị vào danh sách các diva. Cũng may Hà Trần có được lớp khán giả của riêng chị ở thời điểm ấy, còn nếu xuất hiện muộn hơn, vào lúc khán giả đi nghe nhạc chủ yếu để... nhìn ngắm ca sĩ như phần đông công chúng hiện nay, Hà Trần khó mà thành sao với cái ngoại hình mang đầy cá tính của chị.
Không có “khoảng nguội”
Sau 7 năm kết hôn và sắp được làm mẹ, Hà Trần đã tìm được sự đền đáp khi dám “cả gan” bỏ lại khán giả của chị ở VN để đến một miền đất mới. Vắng Hà Trần, người ta vẫn không thiếu ca sĩ để nghe nhưng vẫn thiếu một cái gì đó thật khó gọi tên.
Thiếu cái cảm giác được thấy mình nhẹ bỗng lên khi nghe Hà hát “Vàng son” hay “Ngồi hát ca bềnh bồng”. Thiếu cái tinh khôi của một thời “Đánh thức tầm xuân”, thiếu cái da diết gọi mời khi nghe Hà hát: “Này em nhìn xem đời ta còn bao nhiêu ngày, lòng ta còn bao nhiêu ngày để yêu?/Mà vẫn hân hoan mùa xuân nở ra môi cười /Lòng son còn nguyên dâng người hết thôi...”.
Về nước lần này, Hà Trần sẽ giới thiệu không chỉ 2 album mới mà còn có một tập thơ, “Hà Trần - thập kỷ yêu” gom lại những bài chị viết từ 1998 đến 2011.
Cũng thật không phí lời khi ai đó gọi chị là “người thắp lửa”, bởi đã nghe Hà Trần hát những ca khúc riêng của chị, những bài hát của Trần Tiến như “Phố nghèo”, “Sắc màu”, “Ra ngõ mà yêu”... thì mới thấy “quyền lực” của một ca sĩ được thể hiện thế nào chỉ qua một ca khúc.
Hà hát trên sân khấu như người “thăng” trong một buổi “lên đồng” riêng của chị, mặc kệ có người chê bai, mặc kệ có người bảo sao lại có thứ nhạc gì mà “đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi”... Hà Trần cứ “cháy” liên tục, “đốt” liên tục không ngưng nghỉ bởi có lẽ tự thân chị sẽ sợ lắm khi thấy trong mình có khoảng rỗng, có khoảng nguội, có những đám tro tàn sau lửa cháy.
Nếu để mô tả một điều về cảm giác mà âm nhạc của Hà Trần đem đến cho sân khấu ca nhạc Việt thì người ta thích hình dung ra cảnh một người thiếu nữ ngồi dệt tầm gai, để mặc cho những cái gai đâm vào mình đau nhói mà vẫn hát, tiếng hát dường như được chưng cất từ nỗi đau.
Hoàng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.