Theo thông tin từ một hãng bảo mật nổi tiếng của Mỹ do Reuters dẫn lại, các hacker có liên quan với chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thâm nhập vào ít nhất 7 công ty của Mỹ trong 3 tuần, kể từ khi Washington và Bắc Kinh đồng ý không để xảy ra tình trạng do thám lẫn nhau vì lý do thương mại.
Cụ thể, phần mềm độc hại được cài đặt trong 5 công ty công nghệ của Mỹ và 2 công ty dược phẩm, bắt đầu từ ngày 26.9.
Trước đó, ngày 25.9, Tổng thống Barack Obama cho biết, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận không để chính phủ đứng đằng sau, phục vụ các nhóm tin tặc đánh cắp bí mật thương mại của đối thủ. Thỏa thuận dành cho cả những tổ chức của các nhà thầu tư nhân lẫn chính phủ.
Ông Dmitri Alperovitch, đồng sáng lập hãng bảo mật CrowdStrike (Mỹ) nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông tin các tin tặc tấn công 7 công ty nói trên có liên kết với chính phủ Trung Quốc, một phần lý do dựa trên các máy chủ và phần mềm độc hại mà họ sử dụng.
"Mục đích chính của sự xâm nhập rõ ràng là để trộm cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại, chứ không phải để thu thập thông tin tình báo an ninh quốc gia", CrowdStrike cho biết trong một bài đăng trên blog.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này.
CrowdStrike cho biết thêm, họ đã thông báo tới Nhà Trắng về những phát hiện của mình, nhưng từ chối tiết lộ các công ty bị tấn công.
Một công ty an ninh mạng khác của Mỹ là FireEye, cho biết, các tin tặc Trung Quốc được nhà nước bảo trợ vẫn đang được họ giám sát. Các tin tặc này vẫn còn hoạt động nhưng quá sớm để nói họ đã chuyển từ mục tiêu chính trị sang mục tiêu kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.