Hai bộ vào cuộc bàn giải pháp khai thác "mỏ vàng" ở nông thôn

Trần Quang Thứ năm, ngày 15/07/2021 08:44 AM (GMT+7)
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/7 đều cho rằng, du lịch nông thôn có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên hiện việc khai thác giá trị của khu vực kinh tế này còn nhiều hạn chế.
Bình luận 0
Hai bộ vào cuộc bàn giải pháp khai thác "mỏ vàng" ở nông thôn - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm du lịch văn hóa đặc sản tại bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Trần Quang

 Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, qua thống kê từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, hiện nay đã có 73 tuyến du lịch có đưa khách đến các điểm du lịch nông thôn và có 365 điểm du lịch nông thôn.

Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát; một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng (Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre)...

Du lịch nông thôn được đánh giá là vùng tiềm năng còn bỏ ngỏ của ngành du lịch và đây cũng là cơ hội để nhiều làng quê phát triển đời sống thông qua việc làm du lịch ngay tại địa phương mình.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, du lịch nông thôn hiện nay khá đa dạng với các loại hình chủ đạo là: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. 

Tuy nhiên về mặt chính sách để phát triển các hình thức này thì chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Để quản lý du lịch nông thôn, ông Tiến cho rằng: Cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm du lịch cũng cần bảo đảm 3 yếu tố: Đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương; đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng đó là phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá sản phẩm OCOP.

Hiện Bộ NNPTNT và  Bộ VHTT&DL đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”. Đề án góp phần đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu và chất lượng; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Ths Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch đồng bằng sông cửu Long cho hay: Một trong những điểm yếu lớn nhất của du lịch nông nghiệp- nông thôn Việt Nam đó là nguồn nhân lực. Hiện tại ở các cơ sở du lịch nông nghiệp, nông dân là những người tham gia chính, nên họ chỉ có khả năng phát triển sản phẩm đơn giản, có giá trị thấp, trong khi đó nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường ở lại thành phố không có việc làm. 

Tại hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 14/7, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cần thiết phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử.

Để khắc phục tình trạng này, Ths Phan Đình Huê cho rằng: Chúng ta cần có các chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch nông nghiệp - nông thôn cho sinh viên. Các chương trình này có thể do các trường đại học, cao đẳng hay các dự án tổ chức giảng dạy. 

Bên cạnh đó, tại mỗi vùng du lịch nên có các trung tâm đào tạo thực hành để tập huấn cho những người muốn khởi nghiệp du lịch nông nghiệp- nông thôn. Các trung tâm này có thể thuộc sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng; trung tâm khuyến nông, hoặc đặt tại các cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp thành công...

Hai bộ vào cuộc bàn giải pháp khai thác "mỏ vàng" ở nông thôn - Ảnh 3.

Du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) mang nhiều nét hoang sơ. Ảnh: Trần Quang

Du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng miền

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Việt Nam có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển loại hình du lịch này. Đề án cần làm rõ các khái niệm, bổ sung tiêu chuẩn du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Lâm Đồng có các điểm du lịch đã có thu nhập gấp từ 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần nên mục tiêu đặt ra của đề án gấp 2 lần còn thấp. Đề án cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Thanh Hương đồng tình với đề xuất quan điểm về tính cấp thiết của hệ thống cơ chế, chính sách. Theo bà Hương, hiện nay vẫn chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông thôn ở cấp Quốc gia. Các chính sách phát triển mới dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào chương trình phát triển và những chính sách đặc thù của địa phương.

Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cần thiết phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử.

Phát triển du lịch nông thôn cũng cần hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hoá, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước…

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; trong đó, có du lịch cộng đồng phát triển rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long… Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.

Để tránh việc lợi dụng du lịch nông nghiệp đất để chuyển mục đích sử dụng đất hay phát triển không đúng mục đích, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề là cần phát triển nhưng phải quản lý được. Thứ trưởng mong muốn các địa phương, đơn vị tiếp tục góp ý cho đề án này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem