Hai chị gái "làm phép" khiến cha con người em tử vong có thể bị xử lý thế nào?
Hai chị gái "làm phép" khiến cha con người em tử vong có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 03/11/2023 10:40 AM (GMT+7)
Mai Thị Nhớ và Mai Thị Tuyền cho rằng, cậu em cùng con trai 2 tuổi bị quỷ nhập, nên "làm phép" khiến họ tử vong. Với hành vi này, hai đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Móc họng em ruột và cháu để "trục quỷ" khiến hai người tử vong
Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Mai Thị Nhớ (50 tuổi, ngụ thị xã Trảng Bàng) và Mai Thị Tuyền (43 tuổi, em Nhớ, ngụ huyện Gò Dầu) về hành vi Giết người.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, tối 23/10, Nhớ có biểu hiện hoang tưởng, nói cha (đã chết) "nhập hồn" vào mình, cho biết người em trai thứ 11 trong gia đình và con trai 2 tuổi của anh này bị bỏ bùa.
Bà ta "thay lời cha" gọi 22 người gồm các anh em, con cháu tập trung tại nhà mẹ ruột ở xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, để làm lễ giải bùa.
Nhớ đóng cửa rồi cùng em gái thứ sáu là Tuyền đốt nhang, yêu cầu những người còn lại quỳ lạy. Quá trình làm lễ, Nhớ và Tuyền nói có quỷ xuất hiện, yêu cầu tất cả mọi người trùm mềm nằm dưới sàn nhà để hai chị em bà ta cúng.
Tiếp đó, Nhớ thông báo có 6 người đã bị quỷ nhập, phải "giải vong" bằng cách lấy muỗng cạy miệng, đổ rượu, bắt ăn cam, giụi nhang đang cháy vào miệng, rồi đánh vào ngực và mặt những người này.
Tuyền cầm dao múa, chặt chém các đồ vật trong nhà để hỗ trợ chị "làm phép". Xong việc, Nhớ không cho mọi người trong gia đình ra ngoài, vì cho rằng "quỷ sẽ nhập trở lại".
Đến 10h ngày 24/10, Nhớ thông báo cậu em thứ 11 và con trai 2 tuổi của anh này bị "quỷ nhập lại", nên cùng Tuyền đè xuống đất tiếp tục "làm phép". Dù hai cha con người em giãy giụa phản đối, cầu cứu nhưng Nhớ và Tuyền chỉ dừng tay khi các nạn nhân đã tử vong.
Có thể đối mặt khung phạt cao nhất của tội giết người
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của các đối tượng này rất nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Pháp luật bắt buộc một người bình thường phải nhận thức được hành vi đánh đập, hành hạ người khác tàn nhẫn, đánh vào những vùng trọng yếu của nạn nhân như vậy có thể dẫn đến nạn nhân tử vong.
Trong vụ việc này, các đối tượng cố ý thực hiện hành vi và bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra nên hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Ông Cường cho biết, hành vi của các đối tượng là mê tín dị đoan, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các đối tượng đã đưa những thông tin nhảm nhí, hoang đường tác động tâm lý tiêu cực đến nhiều người, nghiêm trọng hơn là hậu quả của hành vi dẫn đến nạn nhân tử vong nên việc cơ quan điều tra vào cuộc xem xét xử lý bằng chế tài hình sự là rất cần thiết.
Theo quy định của pháp luật, hành vi giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, đối tượng thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.
Trong vụ việc, các đối tượng thực hiện hành vi nhét dị vật vào miệng nạn nhân, đánh vào ngực, vào người nạn nhân dẫn đến nạn nhân tử vong. Đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và hậu quả nạn nhân đã tử vong.
Bởi vậy, việc cơ quan điều tra xử lý các đối tượng về tội giết người là có cơ sở. Nếu bị chứng minh có tội, các đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.