Hai đàn lợn sống sót kỳ lạ giữa vòng vây dịch tả, dân kiến nghị

Thứ ba, ngày 17/12/2019 09:30 AM (GMT+7)
Hai đàn lợn con của 2 hộ dân tại thôn 6, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã sống sót, phát triển bình thường dù bị dịch tả lợn châu Phi càn quét qua.
Bình luận 0

Anh Hoàng Văn Mười, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) cho biết, gia đình bắt đầu nuôi lợn theo hình thức trang trại hơn 2 năm nay. Mặc dù đã thực hiện rất kỹ càng các bước về vệ sinh, nhưng tháng 9/2019, đàn lợn 190 con của gia đình cũng bị chết, phải tiêu hủy do bị dịch tả lợn châu Phi.

img

Đàn lợn cuối chuồng của anh Hoàng Văn Mười, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) sống sót sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hồng Thoan.

Chỉ trong vòng khoảng nửa tháng, toàn bộ đàn lợn bị ốm, chết đồng loạt, khiến cho vợ chồng anh rất bàng hoàng. Toàn bộ lợn nái, lợn đực, lợn thịt đều chết. Chỉ còn hơn 20 con lợn con chừng 5-7 kg ở phía cuối trại lại không nhiễm dịch tả lợn châu Phi và sống sót.

Gia đình anh vẫn chăm sóc đàn lợn con bình thường và đến nay mỗi con đã đạt trọng lượng khoảng 30-35 kg. Vợ chồng anh Mười đang đẩy mạnh chăm sóc, cho lợn ăn tăng thêm để kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán mong vớt vát phần nào thua lỗ.

Cũng ở thôn 6, xã Đắk Wer, gia đình ông Hoàng Văn Bàn, bị "bão" dịch tả lợn châu Phi càn quét làm chết 150 con lợn. Thế nhưng, gia đình vẫn có 16 con lợn con sống sót và phát triển bình thường. Đến nay, đàn lợn sống sót đã đạt trọng lượng 40-45 kg/con.

Ông Bàn vui mừng cho biết: “Hơn chục năm nuôi lợn, nhưng tôi cũng không lý giải được lý do vì sao mấy con lợn con lại không chết. Chắc nó khỏe, đề kháng tốt nên thắng được vi rút gây bệnh. Tôi cũng mong Nhà nước vào cuộc nghiên cứu xem thử đàn lợn của tôi có gì đặc biệt mà không bị chết do dịch tả lợn châu Phi, biết đâu lại có được cách để chống dịch hiệu quả, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi”.

img

16 con lợn của ông Hoàng Văn Bàn, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) từ 5-7 kg/con, hiện đạt trọng lượng khoảng 40-45 kg/con. Ảnh: Hồng Thoan.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) khẳng định: Ngành Nông nghiệp cũng đã nắm bắt và theo dõi, nghiên cứu những đàn lợn sống sót sau dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Những con lợn sống sót sau dịch chứng tỏ kháng thể lớn, vi rút chưa xâm nhập hoặc đã bị ức chế.

Điều này cũng cho thấy địa phương, ngành chức năng đã làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng nên mầm bệnh được khống chế, giảm sức tàn phá, ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hộ có đàn lợn sống sót đều là những hộ thực hiện khá tốt các yêu cầu về bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh, có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đầy đủ, nên tăng được sức đề kháng cho lợn.

Trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, tổng số lợn mắc bệnh là 1.058 con, với trọng lượng 88.167,1 kg. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất do dịch dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Cũng theo ông Đáp, mới đây, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành văn bản mới về hướng dẫn tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khi xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì tiêu hủy theo ô, chuồng thay vì tiêu hủy đồng loạt. Điều này đã được ngành chức năng, các địa phương quán triệt cụ thể đến lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi để bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân

Hồng Thoan (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem