Thủ phủ lợn đất Bắc điêu tàn vì dịch tả, lợn chết không có chỗ chôn

Trần Quang Thứ tư, ngày 29/05/2019 20:00 PM (GMT+7)
Do lợn bị chết bởi dịch tả lợn châu Phi ngày càng nhiều, chính quyền xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) - “thủ phủ nuôi lợn ở miền Bắc” - đang lo quá tải, không có chỗ tiêu hủy, đành “cầu cứu” huyện, tỉnh.
Bình luận 0

Nông dân lâm cảnh đường cùng

Đến trang trại của gia đình ông Du Văn Dương (ở thôn 1, xã Ngọc Lũ), phóng viên ghi nhận khắp các ô chuồng đều một màu trắng xóa của vôi bột. Ông Dương đang thuê người đến dỡ các mái chuồng, dọn dẹp các vật dụng trong trang trại.

img

Ông Du Văn Dương ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) dỡ mái, thu dọn chuồng để nghỉ nuôi lợn.

Từng là hộ nuôi lợn nhiều nhất, nhì ở Ngọc Lũ nhưng đến giờ cũng chính đàn lợn đã khiến gia đình ông Dương lâm cảnh cùng quẫn. Hy vọng duy nhất của vợ chồng ông Dương và bà con ở xã lúc này là khoản tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch của Nhà nước để trả nợ lãi, trả tiền thức ăn và tái đàn...

Khá hơn nhà ông Dương, hộ ông Phạm Bá Quỳnh (ở thôn 1) đến giờ vẫn đang cầm cự được đàn lợn trên 1.000 con. Vừa rắc vôi khử trùng chuồng trại, ông Quỳnh vừa lắc đầu bảo: "Trang trại của tôi vừa có 21 con bị dịch đã tiêu hủy, nhưng số lợn còn lại cũng đang có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất lớn, e rằng khó mà cầm cự được lâu nữa".

Theo ông Trần Đình Thiện - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, dù là xã cuối cùng của huyện công bố dịch tả châu Phi nhưng đến giờ tình hình vẫn đang rất “nóng”, số trang trại bị dịch tăng lên từng ngày. Ông Thiện cho hay: Từng là "thủ phủ" nuôi lợn ở miền Bắc, có thời điểm số lượng lợn nuôi ở Ngọc Lũ lên đến 80.000 - 90.000 con. Tuy nhiên sau các trận dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh..., đến năm 2019, số lượng lợn tại địa phương này đã giảm còn một nửa, còn khoảng trên 40.000 con và giờ số lượng lợn vẫn đang giảm, chết dịch từng ngày, đẩy người dân đến đường cùng.

Theo ông Thiện, để tránh thiệt hại lớn cho người dân, khi phát hiện có dịch tại các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn, xã sẽ thành lập tổ công tác xuống lập biên bản, kiểm đếm và tiến hành tiêu hủy các con lợn bị chết dịch, còn các con lợn khỏe mạnh vẫn để lại cho người dân nuôi cầm cự.

img

Ông Trần Văn Tự ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục cũng mới "trắng tay" hàng trăm triệu đồng sau "bão" dịch.

Sau 10 ngày công bố dịch, đến ngày 22/5, toàn xã Ngọc Lũ đã tiêu hủy gần 400 con với trọng lượng gần 16 tấn lợn. "Dù số lượng lợn tiêu hủy còn ít nhưng với đà lây lan như hiện tại, những ngày tới chúng tôi không dám chắc trước điều gì" - ông Thiện nói.

Tuy nhiên, điều mà ông Thiện đang lo ngại là một khi đàn lợn ở Ngọc Lũ chết dịch ồ ạt hơn thì sẽ dẫn tới quá tải, không có chỗ tiêu hủy. "Hiện tại diện tích khu tiêu hủy lợn dịch rất hạn chế và có thể sẽ quá tải khi lượng lợn chết dịch tăng cao hơn, vì thế chúng tôi đã kiến nghị và xin ý kiến chỉ đạo từ huyện và tỉnh để có thêm quỹ đất dự phòng tiêu hủy lợn, nhưng giờ vẫn chưa có hồi âm" - ông Thiện chia sẻ.

Nói thêm về công tác tiêu hủy lợn dịch ở địa phương, ông Thiện cho hay: Để đảm bảo quyền lợn cho bà con có lợi bị tiêu hủy và tránh việc gian lận, khai khống trong công tác hỗ trợ, tiêu hủy lợn dịch, ngay từ trước khi có dịch, xã đã cho cán bộ rà soát kỹ số lượng, trọng lượng từng con lợn, từng hộ, từng trang trại và số liệu này cũng luôn được cập nhật thường xuyên trước, trong và sau dịch bệnh.

Ở cạnh xã Ngọc Lũ, xã Hưng Công đã phải tiêu huỷ trên 88 tấn lợn, với 140 hộ bị thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Duy - Chủ tịch UBND xã Hưng Công cho biết, do lợn chết quá nhiều quá tải, xã phải chuyển đổi và xin thêm diện tích nông nghiệp khoảng 3.000m2 mới có đủ chỗ để tiêu hủy lợn dịch. "Hiện xã còn khoảng trên 5.000 con lợn nhưng với đà lây lan dịch như hiện tại e rằng chúng khó thoát khỏi “án” tử" - ông Duy nói.

Vẫn khó vận chuyển, tiêu thụ lợn

Theo phản ánh của các lái buôn tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam, dù giá lợn đang ở ngưỡng thấp, từ 20.000 - 28.000 đồng/kg, nhưng việc mua, bán vẫn diễn ra bình thường. "So với trước, lượng xe chở, lợn giảm nhiều nhưng nếu ai có hàng đưa vào chợ cũng bán hết, không lo ế" - ông Phạm Văn Minh, một lái buôn quê Hà Nam, chia sẻ. 

img

Chợ đầu mối lợn ở Hà Nam vẫn hoạt động náo nhiệt.  (ảnh: Trần Quang)

Chúng tôi rất mong Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành rà soát và cấp giấy kiểm dịch cho các lái buôn, kinh doanh và các trại lợn an toàn, tạo điều kiện cho việc giao thương, mua bán giữa các tỉnh, kéo giá lợn tăng lên".
Ông Trần Quang Sang

Ông Minh cho biết thêm, dù việc mua bán ở chợ khá thuận lợi nhưng việc tìm nguồn hàng, thu mua lợn trong dân rất khó khăn, trừ trường hợp trại bị dịch phải bán chạy. Còn các trại an toàn, bà con vẫn cố cầm cự, giữ hàng chờ giá tăng cao mới xuất chuồng.

"Với đà khan hiếm như hiện tại, trong thời gian tới giá lợn sẽ còn tăng cao, thậm chí có thể vượt ngưỡng trước đây khoảng trên 50.000 đồng/kg" - ông Minh dự đoán.

Ông Trần Quang Sang - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam cho biết, so với ngày thường, lượng lợn tại chợ đã giảm nhiều, hiện tại trung bình mỗi ngày số lợn được trao đổi, mua bán ở chợ chỉ còn khoảng trên dưới 500 con. "Do nhiều nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu, hiện tại chỉ còn khoảng 22.000 - 28.000 đồng/kg, tùy loại nhưng đổi lại việc mua bán, tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường, ít có ngày lợn ế ẩm" - ông Sang nói.

Theo ông Sang, mới đây Chính phủ đã nới và cho phép việc vận chuyển, tiêu thụ lợn trong vùng an toàn, nhưng ở Hà Nam các lái buôn, người kinh doanh vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển lợn ra ngoài địa bàn do không có giấy tờ kiểm dịch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem