Hải Dương: Công ty sản xuất giầy dép sử dụng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 18/06/2021 14:26 PM (GMT+7)
Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tại Công ty TNHH WINGBURG Việt Nam (chi nhánh Hải Dương) xảy ra tình trạng sử dụng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp.
Bình luận 0

Mới đây, Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh về việc Công ty TNHH WINGSBURG Việt Nam, chi nhánh ở thôn 4, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương sử dụng một số người lao động Trung Quốc khi chưa có giấy phép lao động. 

Sở LĐTBXH Hải Dương chưa cấp phép cho 7 người Trung Quốc 

Trao đổi qua điện thoại với Dân Việt sáng 17/6, bà Bùi Thị An, Giám đốc Công ty TNHH WINGSBURG Việt Nam xác nhận trụ sở chính của công ty ở thôn Linh Đông, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. 

Hiện công ty có một chi nhánh ở thôn 4, xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Đây là nơi làm việc của cán bộ, trong đó có một số người Trung Quốc.

Bà An thông tin, 7 người Trung Quốc đang làm việc tại đây đã có giấy phép lao động. "Một số người Trung Quốc sang bên đây đã được cấp phép nhập cảnh, một số người chuyển công tác từ Hải Phòng sang. Họ đã có giấy phép lao động. Công ty hiện đang bắt đầu làm việc", bà An nói. 

Theo bà An, mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã xuống kiểm tra. Kết quả, có một số người Trung Quốc chuyển từ Hải Phòng chuyển sang có thiếu một số giấy tờ nhưng sau đó họ cũng đã có bổ sung.

Tuy nhiên, thông tin PV nhận được từ lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương lại khác. 

Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám Đốc Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương cho hay, Công ty nêu trên có chi nhánh tại huyện Ninh Giang, đăng ký kinh doanh từ ngày 31/12/2019.

Đến thời điểm hiện nay sở chưa cấp phép giấy phép lao động cho 7 người nước ngoài (người Trung Quốc) chuyển từ Hải Phòng sang làm việc tại Công ty TNHH WINGSBURG Việt Nam, chi nhánh Ninh Giang Hải Dương.

Hải Dương: Công ty sản xuất giầy dép sử dụng người lao động Trung Quốc khi chưa có giấy phép lao động? - Ảnh 1.

Công ty TNHH WINGSBURG Việt Nam, chi nhánh Ninh Giang Hải Dương. Ảnh: H.H

Theo quy định, đối với các trường hợp là lao động làm việc từ Hải Phòng sang Hải Dương làm việc phải xin giấy phép lao động của Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương. Nếu như, trường hợp lao động không xin cấp phép là vi phạm quy định.

"Hiện nay, Sở đang phối hợp với cơ quan công an để rà soát các doanh nghiệp sử dụng người nước ngoài để có báo cáo cụ thể. Đồng thời, chúng tôi cũng đang yêu cầu cán bộ kiểm tra, làm rõ phản ánh nêu trên", ông Tùng thông tin.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, đối việc cấp phép xuất nhập cảnh, bên công an sẽ là đơn vị kiểm tra, rà soát người lao động nước ngoài. Còn người lao động người nước ngoài tạm trú ở đâu thì họ cũng phải khai tạm trú với cơ quan công an ở đó.

"Đối với phản ánh nêu trên, chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra, rà soát, xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục ngay. Trường hợp không có giấy tờ đầy đủ chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan công an xuất cảnh những trường hợp này về nước theo quy định", ông Tùng nói.

Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở cả hai tỉnh khác nhau là sai quy định

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Điều 154 Bộ Luật lao động quy định về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Đó là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ; Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ; Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Hoặc vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ; Vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

Bên cạnh đó, luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư; Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Bởi vậy, theo luật sư Tùng, trong trường hợp trên cơ quan chức năng cần xác định người lao động nước ngoài khi di chuyển xuống chi nhánh ở Hải Dương làm việc có thuộc trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hay không. Nếu đúng, họ không cần xin giấy phép lao động ở Hải Dương.

Còn ngược lại, nếu họ thuộc thuộc trường hợp điểm b khoản 9 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP phải xin giấy phép lao động tại Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương.

Trong đó, điểm b khoản 9 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định: Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 điều này và giấy phép lao động hoặc bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.

Luật sư Tùng cũng cho hay, trường hợp, người lao động làm việc ở Hải Phòng thì phải xin giấy phép ở Hải Phòng. 

Còn khi di chuyển sang Hải Dương làm việc, không thuộc các trường hợp miễn cấp giấy phép lao động phải xin giấy phép lao động ở Hải Dương. Trường hợp, nếu như Hải Phòng cấp giấy phép lao động cho một người nước ngoài làm việc ở cả 2 nơi là Hải Phòng và Hải Dương là không đúng, sai quy định.

Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm lao động nước ngoài không có giấy phép:

Đối với công ty: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi không báo cáo đúng nội dung, thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngooài.

+ Phạt tiền đối với hành vi sử dụng lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động, mức phạt cụ thể:

Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;

Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;

Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên."

Đối với người lao động: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với thành viên làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.

+ Hình thức xử phạt bổ sung: trục xuất người lao động nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem