Hải Dương: Hội làm cầu nối, giúp nông dân mua phân bón trả chậm

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 23/04/2020 14:45 PM (GMT+7)
Nhờ làm tốt vai trò cầu nối, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Hải Dương đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, trong đó có việc liên kết với Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao để cung ứng phân bón chất lượng theo hình thức trả chậm.
Bình luận 0

Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể

Đến nay, các cấp Hội ND Hải Dương đã xây dựng được 410 mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.

Tiêu biểu như mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), HTX Chăn nuôi lợn thịt ở xã Nam Tân (Nam Sách), HTX Thủy sản ở xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện), câu lạc bộ Nuôi thủy sản ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ), tổ liên kết thâm canh ổi an toàn ở các xã Liên Mạc, Tân Việt (Thanh Hà), tổ liên kết trồng na dai an toàn ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), tổ liên kết trồng cam Vinh chất lượng cao bảo đảm an toàn ở xã Thất Hùng (Kinh Môn)…

img

Vụ mùa năm 2019, cán bộ Hội ND tỉnh Hải Dương thăm mô hình Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa Bắc Thơm số 7 xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Ảnh: Thu Hà

"Chúng tôi thấy phân bón Lâm Thao bón cho lúa, ngô, cà chua, rau màu đều rất hiệu quả, cây trồng cho năng suất cao. Đầu mỗi vụ cà chua, các thành viên đều mua chung hơn 30 tấn mua phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức trả chậm”.

Ông Nguyễn Văn Chua Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua xã Nhân Huệ

Trong đó, riêng năm 2019, Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 mô hình tổ hợp tác (THT) và tiêu thụ nông sản an toàn với 97 thành viên tham gia.

Đó là mô hình THT sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt (Thanh Hà); mô hình THT sản xuất và tiêu thụ gạo Bắc thơm số 7 an toàn tại xã Long Xuyên (Bình Giang; mô hình THT sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ (huyện Chí Linh).

Tham gia THT, nông dân được Hội hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất mua giống, thuốc thú y, bao bì đựng sản phẩm. Hội ND còn phối hợp với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao tổ chức 6 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn cho 310 người; đồng thời cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón trả chậm không tính lãi cho thành viên các THT.

Bên cạnh đó, tham gia mô hình, các hộ được hướng dẫn quét mã QR truy xuất nguồn gốc, nhờ đó nông sản làm ra đã được các doanh nghiệp thu mua, bày bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Được Hội hỗ trợ, các thành viên trong các THT đã có thu nhập cao hơn so với các hộ ngoài mô hình.

Điển hình như THT sản xuất và tiêu thụ gạo Bắc thơm số 7 an toàn tại xã Long Xuyên đang thu hút 42 thành viên tham gia, canh tác 5ha diện tích lúa Bắc thơm số 7. Hội ND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vật tư đầu vào là 14,5 triệu đồng/5ha, tương đương 104.000 đồng/sào.

Ngoài ra, Hội ND còn phối hợp với doanh nghiệp cung ứng phân bón Lâm Thao cho các thành viên trong tổ theo phương thức trả chậm không tính lãi; hợp tác với doanh nghiệp chuyên xay xát chế biến gạo ở xã Long Xuyên để thu mua gạo cho tổ. Kết quả, vụ mùa năm 2019 năng suất lúa Bắc thơm số 7 của mô hình đạt từ 180-220 kg/sào; cao hơn so với lúa Bắc thơm ngoài mô hình từ 20-30 kg/sào; cho lợi nhuận cao hơn khoảng 200.000 – 300.000 đồng/sào.

Tương tự, các hộ tham gia mô hình THT sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ (huyện Chí Linh) cũng có lợi nhuận cao hơn 2 triệu đồng so với hộ không tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Văn Chua – Tổ trưởng THT sản xuất và tiêu thụ cà chua xã Nhân Huệ cho biết: Hội ND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí sản xuất là 31,5 triệu đồng, tương ứng hơn 200.000 đồng/sào. Hội ND tỉnh cũng hỗ trợ biển tên mô hình; hỗ trợ túi lưới và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua nên sản xuất của các thành viên rất thuận lợi.

“Về phân bón, chúng tôi tin dùng phân bón Lâm Thao từ nhiều năm nay. Qua kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi thấy phân bón Lâm Thao bón cho lúa, ngô, cà chua, rau màu đều rất hiệu quả, cây trồng cho năng suất cao”- ông Chua cho hay.

Gắn kết hội viên, nông dân

Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân. Hiện, toàn tỉnh có trên 383.000 hội viên sinh hoạt tại 1.244 chi hội ở 258 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển.

Năm 2019, toàn tỉnh Hải Dương có trên 191.000 hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi (chiếm trên 65% so với tổng hội viên nông dân trong toàn tỉnh), qua bình xét có 129.000 số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi (chiếm 67% so với tổng số hộ đăng ký).

Đối với các hoạt động, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp có uy tín cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm. Tính riêng năm 2019, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng gần 7.000 tấn phân bón Lâm Thao cho hội viên và nông dân.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương khẳng định, cung ứng phân bón trả chậm là một trong những chương trình thiết thực với hội viên nông dân.

“Những năm qua, với vai trò là “cầu nối” trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân. Điều đáng nói, trong suốt nhiều năm thực hiện chương trình này, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương luôn thanh toán tiền đầy đủ cho công ty theo hợp đồng, không có tình trạng nợ đọng”- bà Tâm thông tin.

Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Hải Dương còn phối hợp đồng bộ với các cấp Hội cơ sở, đặc biệt là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn điểm sử dụng phân bón hiệu quả.

Trong đó, năm 2019 các cấp Hội ND trên địa bàn đã phối hợp tổ chức được hơn 50 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho hàng ngàn hội viên, hội nông dân; xây dựng hàng chục mô hình phân bón Lâm Thao khép kín trên cây lúa vụ mùa, cây ổi, vải, thanh long, hành, tỏi”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem