Hải Dương: Hội Nông dân giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, nhà nông yên tâm sản xuất

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 21/12/2021 18:05 PM (GMT+7)
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Bình luận 0

Bảo vệ lợi ích nông dân

Chị Nguyễn Thị Miền (ở xóm 11 xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương) hiện sở hữu diện tích gần 1ha diện tích trang trại tổng hợp VAC, trong đó có 7 sào trồng giống ổi Thái.

Nói về hiệu quả kinh tế trồng ổi, chị Miền tính toán: "Cấy lúa, 1 sào ruộng 1 năm giỏi lắm thu được 4 tạ thóc, giá trị hơn 2 triệu đồng chưa trừ phân bón, công xá. Đằng này, 1 sào trồng ổi, tôi thu bình quân 10 triệu đồng/năm, gấp 4-5 lần trồng lúa...".

Hải Dương: Hội Nông dân giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, nông dân hết băn khoăn, lo lắng - Ảnh 1.

Mô hình trồng ổi của nông dân xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: H.T

Theo chị Miền, để trồng ổi đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc chăm sóc, bón phân và lựa chọn phân bón cho ổi rất quan trọng. Chị Miền cho biết chị cũng hầu hết người dân đều không phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy chị thường mua phân bón trả chậm qua tổ chức Hội Nông dân. 

"Hội Nông dân thường phối hợp với các doanh nghiệp phân bón uy tín thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm nên nông dân yên tâm sản xuất".

Về phân bón chị Miền yên tâm với lựa chọn của mình, tuy nhiên về thuốc bảo vệ thực vật chị thường mua ngoài cửa hàng vật tư nông nghiệp và phụ thuộc vào tư vấn của người bán vật tư nông nghiệp.

Hải Dương: Hội Nông dân giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, nông dân hết băn khoăn, lo lắng - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở NNPTNT, Sở Công thương giám sát vật tư nông nghiệp tại xã Lê Lợi (TP Chí Linh). Ảnh: HND

"Chúng tôi mua thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng chủ yếu bằng kinh nghiệm qua quá trình sản xuất. Nếu năm nay dùng 1 loại thuốc hiệu quả thì sang năm sẽ dùng tiếp, nếu thuốc không hiệu quả sẽ không dùng nữa"-chị Miền nói.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thanh Hà làm tốt công tác giám sát vật tư nông nghiệp. Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thanh Hà, trên địa bàn huyện có khoảng 202 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Từ 2017 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức các cuộc giám sát đối với trên 10 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Đến nay, 100% số xã, thị trấn tổ chức ký kết xây dựng kế hoạch giám sát vật tư nông nghiệp. Qua các cuộc giám sát đã kịp thời nhắc nhở các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đúng quy định về mẫu mã, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc... còn xuất hiện nhiều, làm tốn kém chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, công tác kiểm tra, giám sát vật tư nông nghiệp của các cơ quan chức năng, trong đó vai trò của Hội Nông dân các cấp rất quan trọng. Qua đó, nhằm phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: Xác định rõ vai trò này nên từ năm 2014, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở NNPTNT, Sở Công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 – 2020.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức 124 lớp tập huấn cho 12.700 lượt người về quy định của pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, cách nhận biết sản phẩm an toàn, tác hại của chất cấm trong sản xuất nông nghiệp…

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó có việc giám sát vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ khó, phức tạp.

Cán bộ Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa được đào tạo bài bản; năng lực phân tích, đánh giá, kết luận trong quá trình giám sát còn lúng túng nên chất lượng giám sát chưa cao. Hơn nữa cán bộ Hội lại không có phương tiện để kiểm định, đánh giá chất lượng vật tư nông nghiệp. Có trường hợp chủ cơ sở kinh doanh không tạo điều kiện hợp tác để đoàn giám sát thực thi nhiệm vụ.

Để việc giám sát vật tư nông nghiệp đi vào thực chất và mang lại hiệu quả hơn, các cơ quan liên quan cần có những hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ, thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Bà Tâm cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường số lượng các cuộc giám sát, Hội Nông dân sẽ tích cực kiến nghị giải quyết các vấn đề sau giám sát vật tư nông nghiệp và theo dõi kết quả trả lời kiến nghị của các cơ quan phối hợp, thậm chí là kiến nghị đến các cấp cao hơn.

Đồng thời tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp về giám sát vật tư nông nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về nhiệm vụ giám sát.

Trong năm 2021, Hội Nông dân cấp huyện trong tỉnh Hải Dương đã chủ trì 3 cuộc giám sát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường tại 13 hộ gia đình chăn nuôi, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem