Nam Định: Tăng giám sát, phản biện để bảo vệ quyền lợi của nông dân

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 11/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân.
Bình luận 0

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tăng cường sự phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Công Thương, Sở NNPTNT tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu gồm: Giám sát các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân có sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa phương; một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Nam Định: Tăng giám sát, phản biện để bảo vệ quyền lợi của nông dân - Ảnh 1.

Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong ảnh: Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định. Ảnh: Trần Khánh

Qua kiểm tra, giám sát tại cấp cơ sở cho thấy, về cơ bản các đơn vị đều đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy xác nhận kiến thức về kinh doanh vật tư nông nghiệp; giấy khám sức khỏe; xác nhận an toàn phòng, chống cháy nổ, an toàn về môi trường; sổ xuất nhập hàng để ghi chép và truy xuất nguồn gốc vật tư nông nghiệp…

Nhờ đó, các đoàn công tác đã thống kê, đánh giá có 33/44 mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, đúng qui định. Tiêu biểu như: Mô hình trồng quất tại xã Nam Mỹ và Nam Toàn (huyện Nam Trực); trồng lúa tại xã Trung Thành (huyện Vụ Bản); trồng hoa cây cảnh ở thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh).

Đồng thời, một số mô hình chăn nuôi có sử dụng con giống, nguồn thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý môi trường an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi ở các xã Yên Nghĩa (huyện Ý Yên), xã Kim Thái (huyện Vụ Bản), xã Mỹ Thịnh (huyện Mỹ Lộc); mô hình nuôi cá nước ngọt xã Hải Thanh và Hải Ninh (huyện Hải Hậu); nuôi trồng thủy sản nước lợ tại địa bàn các xã Bạch Long, Giao Long, Giao Thiện, Giao Châu (huyện Giao Thủy)… Từ đó, góp phần hình thành một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn có sự gắn kết chặt chẽ, có tính bền vững cao gồm: Chuỗi gạo sạch Toản Xuân; chuỗi nông sản sấy Minh Dương; chuỗi bống bớp Sơn Nguyệt; chuỗi sản xuất lúa, rau màu Mỹ Nhung.

Cùng với thực hiện tốt việc giám sát quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ và giám sát các nội dung trong xây dựng nông thôn mới…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định Đặng Ngọc Hà cho biết: Thông qua công tác giám sát đội ngũ cán bộ Hội đã nắm bắt sâu sát hơn tình hình hoạt động tại cơ sở; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của nông dân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nông dân để giải quyết khó khăn ngay từ cơ sở.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem