Hải Dương yêu cầu khách đến quán ăn phải test Covid-19: Có trái với quy định?

Quang Minh Thứ ba, ngày 11/01/2022 11:37 AM (GMT+7)
TP.Hải Dương, huyện Thanh Miện yêu cầu chủ các quán ăn, uống trên địa bàn phải thực hiện test nhanh Covid-19 cho khách và có kết quả âm tính trước khi vào ngồi ăn tại quán. Ở góc độ pháp lý, việc ban hành văn bản này có đúng với quy định không?
Bình luận 0

Yêu cầu khách đến quán phải test nhanh là trái với quy định

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, đất nước tiếp tục tăng cường các biện pháp để thích ứng với đại dịch Covid-19 và đa số người dân trên cả nước đều chấp hành tốt các Chỉ thị về phòng chống dịch.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có nhiều tỉnh thành ban hành những quy định trái với yêu cầu tại Nghị Quyết của Thủ tướng, gây ra những khó khăn nhất định cho nhân dân các địa phương.

Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Tại nghị quyết, yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh, đồng thời cũng tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong quyết định xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch.

Theo đó, quy định xét nghiệm SARS-CoV-2 trong hướng dẫn tạm thời này thể hiện: Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác.

Cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; nhóm nguy cơ gồm các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…

Hải Dương yêu cầu khách đến quán ăn phải test Covid-19: Có trái với quy định? - Ảnh 1.

Một quán cà phê trên đường Đỗ Ngọc Du (TP.Hải Dương) rất vắng khách. Ảnh: Thi Ngọc

Không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Những người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống sau: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).  

Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các địa phương chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch. 

Theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: Nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nếu như nằm trong khu vực phân cấp mức độ dịch ở cấp 4.

"Việc TP.Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện ký văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú... phải tự xét nghiệm cho khách nếu muốn được phục vụ tại chỗ mà không căn cứ vào việc phân loại cấp độ dịch là trái với quy định của Nghị quyết số 128/NQ-CP", luật sư Tùng nêu quan điểm.

Người vi phạm quy định phòng chống dịch có thể bị phạt tù

Ngoài ra, theo luật sư Tùng, Quy định tại điểm 1.10 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nêu rõ:

Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt tù đến 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp này, TP.Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện đã vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19, không triển khai việc thực hiện phòng chống dịch theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, gây cản trở, khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Hải Dương yêu cầu khách đến quán ăn phải test Covid-19: Có trái với quy định? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo đó, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Ngoài ra, người có trách nhiệm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 122/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức, Bãi nhiệm.

Theo các quy định về hình thức kỷ luật các bộ công chức được quy định tại Mục 1, Chương 2 Nghị định 122 này thì người vi phạm quy định sẽ áp dụng hình phạt cảnh cáo nếu vi vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng.

Áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối nếu như đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm hoặc đây là hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

Nêu quan điểm về vụ việc yêu cầu phải test nhanh mới được ăn, uống tại nhà hàng, quán ăn đang được thực hiện ở một số huyện, thành phố ở Hải Dương, bạn đọc Kim Ngân (ở TP.Hải Dương) cho rằng, hiện nay, người dân đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, các tỉnh thành thích ứng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà mọi người lơ là, coi thường quy định pháp luật cũng như sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp cao.

"Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định phải test nhanh mới được vào quán ăn tại chỗ thì gây khó khăn, phiền phức cho người dân và tốn kém cho chủ cửa hàng ăn uống. 

Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền làm sao để mỗi người dân ý thức hơn trong việc phòng chống dịch cũng như chung tay cùng cộng đồng thực hiện nghiêm quy định thì sẽ làm hạn chế hơn các ca mắc Covid-19, góp phần làm giảm gánh nặng của Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ hay cơ quan quản lý Nhà nước thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như gia tăng các biện quản lý pháp mạnh để hạn chế thấp nhất những thiệt do Covid-19 gây ra cho xã hội và người dân", bạn đọc Kim Ngân chia sẻ.

Trước đó, Hải Dương ra văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phải tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc yêu cầu khách đến ăn xuất trình kết quả xét nghiệm PCR (thời hạn 72h), UBND TP.Hải Dương đã ra tiếp văn bản điều chỉnh các biện pháp chống dịch.

Trong đó, TP.Hải Dương, huyện Thanh Miện yêu cầu chủ các cơ sở ăn uống phải tự tổ chức xét nghiệm cho khách trước khi ăn. Kinh phí xét nghiệm do chủ cơ sở chi trả.

Quy định này đã vấp phải một số phản ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng yêu cầu này không có tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và những chủ kinh doanh nhà hàng ăn uống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem