Hãi hùng khi nhà vẫn “treo” triền núi

Bài, ảnh: Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 16/09/2015 16:21 PM (GMT+7)
Hàng chục năm nay, 24 hộ dân thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định bấp chấp nguy cơ sạt lở đất, chọn triền núi Gành để dựng nhà. Khi mùa mưa bão đang đến gần, hơn 100 nhân khẩu tại đây lại phập phồng lo sợ đất lở, đá đè.
Bình luận 0

Chết vì đất lở, đá đè

Đến núi Gành, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với những ngôi nhà nằm cô quạnh trên lưng chừng núi. Tan tầm trưa, sau buổi lao động mệt nhọc, người dân sống ở đây cố gắng leo lên “tổ ấm” của mình để nghỉ ngơi, sinh hoạt. Họ đành phải để xe dưới chân núi, nâng từng bước chân mệt mỏi, băng qua những con đường mòn nhỏ xíu, dốc đá, hiểm trở thì mới đến được nhà.

Ông Huỳnh Văn Thông (thôn Đức Phổ 1) xây nhà và sống gần 20 năm nay trên triền núi Gành. Đến mùa mưa bão, gia đình ông lại được chính quyền địa phương đến vận động di dời ra khỏi nhà vì sợ sạt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng. “Do ở dưới không có đất nên tôi mới lên đây dựng nhà. Tôi ở đây là đất có sổ đỏ, mấy năm trước nghe nói có khu tái định cư, di dời người dân đi nhưng giờ không thấy gì cả” - Ông Thông cho hay.

img

Người dân sống tại khu vực núi Gành, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mùa mưa bão.

Đã 4 năm nay, ông Nguyễn Thái Bình- Trưởng thôn Đức Phổ 1 vẫn miệt mài vượt dốc cao tại núi Gành để vận động người dân di dời mỗi khi mùa mưa bão đến. Theo ông Bình, tại núi Gành hiện tại có 24 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống và có những ngôi nhà được dựng trên triền núi từ những năm 1980. Đa phần người dân ở đây đều là người lao động, có cuộc sống khó khăn, với khoảng 4-5 hộ nghèo, trong đó có 2 hộ cận nghèo. Năm 2010, để tránh nguy hiểm cho người dân, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi hộ cho việc di dời, bố trí đất ở ngoài vùng đất cồn Năm Ông (xã Cát Minh) nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Ông Bình, chia sẻ: “Tại đây nhà cao nhất cách đường gần 100 mét. Cách đây khoảng 7 năm, khi mưa lớn gây sạt lở đất, rồi đá trên núi đè sập tường nhà gây ra cái chết cho ông Phạm Hùng. Đến mùa mưa bão hằng năm, huyện, xã, thôn lại tập trung vận động di dời người dân đến nơi an toàn”.

Khi nào nhà rời khỏi triền núi?

Nỗi lo sạt lở đất, đá của 24 hộ dân sống tại khu vực núi Gành vẫn đeo bám dai dẳng hàng chục năm. Thế nhưng, việc rời khỏi nơi ở nguy hiểm nay vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ?.

Theo ông Võ Văn Thế- Phó chủ tịch UBND xã Cát Minh, 24 hộ dân ở núi Gành, có xấp xỉ gần 50% hộ có sổ đỏ nhưng đến 7-8 hộ dân chưa thể tiếp cận được với nguồn nước sạch trong sinh hoạt vì nhà được xây ở vị trí quá cao so với mặt đường.

“Tất cả mọi chính sách, người dân tại khu vực núi Gành vẫn được hưởng như những công dân khác. Địa phương đề nghị nhiều lần lên cấp trên về việc làm khu tái định cư cho người dân nhưng chưa có vốn nên chưa làm được” - Ông Thế bộc bạch.

img

Người dân vất vả leo bộ lên núi.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Bình - Phó chi cục trưởng - Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2005 đã vận động di dời khỏi núi Gành nhưng người dân không chịu đi. Hiện tại, chính sách Trung ương hỗ trợ di dời là 20 triệu đồng/hộ. Nhưng bản thân xã Cát Minh không có quỹ đất để làm khu tập trung, nếu không có thì phải làm hình thức xen ghép. Còn việc xử lý đất sổ đỏ và không sổ đỏ cần phân tích rõ rồi di dời một cách hợp lí, tạo mọi điều kiện cho người dân đến nơi ở mới.  

Nói về lí do người dân vẫn chưa được di dời khỏi núi Gành, ông Bình cho rằng: “Mức hỗ trợ thấp, ít quá do người dân đầu tư xây nhà kiên cố nên chưa chịu đi. Địa phương vẫn chưa bố trí được khu đất để cho người dân di dời, một là làm dự án tập trung hoặc xen ghép”.

Hiện nay, mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo sạt lở đất, nguy hiểm tính mạng cho người dân lại bắt đầu trỗi dậy từ những nóc nhà nằm cao chót vót trên triền núi Gành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem