Truyện ký của Lê Bá Thự
Thứ hai, ngày 23/11/2020 06:30 AM (GMT+7)
Ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất thì tôi được gọi là thầy - thầy Lê Bá Thự. Nhưng hồi tôi dạy học ở làng, các học viên lớp học bổ túc văn hóa của tôi họ gọi tôi là “thằng” - “thằng Thự”. Toàn là bậc cha chú của tôi cả mà. Chả lẽ bố tôi lại đi gọi tôi là “thầy”...
Năm1957, làng tôi (làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) thành lập hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp. Các xã viên hằng ngày đi làm theo kẻng, tối đến họp đội để "bình công chấm điểm". Tất cả mọi công việc đều quy ra điểm, và việc chia sản phẩm cũng căn cứ vào tổng số điểm có được của mỗi gia đình.
Hồi đó, tôi 15 tuổi. Trừ những buổi đi học, còn lại tôi làm việc như một xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Là một xã viên hợp tác xã nông nghiệp tôi thường tham gia các công việc gánh phân, gánh lúa, đổ bùn, nhổ mạ, làm cỏ lúa…
Mỗi buổi làm cỏ lúa đội sản xuất chúng tôi thường có khoảng 15 - 20 xã viên tham gia. Một dãy dài các xã viên, như một "dàn đồng ca ngoài trời", trong đó có tôi, tay cầm nạo, dàn hàng ngang làm cỏ lúa, trông bắt mắt phải biết (Tiếc rằng hồi đó không có máy để chụp ảnh). Vừa làm cỏ lúa vừa trò chuyện, vừa hát hò rất vui.
"Đi dạy bổ túc văn hóa cho xã viên hợp tác xã nông nghiệp làng tôi là một kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ của tôi. Như vậy, hai lần trong đời tôi làm thầy giáo".
Nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự
Hôm nào, thấy tôi đi làm cỏ lúa thì cả đội thích lắm. Vì tôi là cây kể chuyện tiểu thuyết, chuyện ngôn tình, độc nhất vô nhị của đội.
Tôi có nguồn sách, kể cả sách cấm. Như "Hồn bướm mơ tiên" chẳng hạn, tôi phải "mượn chui" và "đọc chui". Thường mỗi buổi làm cỏ lúa như vậy tôi kể cho mọi người nghe một cuốn tiểu thuyết. Lần này "Bỉ vỏ" (Người đàn bà ăn cắp - tiếng lóng), lần sau "Hồn bướm mơ tiên", lần tiếp theo "Tắt lửa lòng - Lan và Điệp"… Tôi đứng giữa đội hình đội sản xuất dàn hàng ngang làm cỏ lúa. Cả đội mắt chăm chú nhìn xuống ruộng lúa đang thì con gái, tay liên tục đẩy cán nạo tới, lui, còn tai lắng nghe tôi kể chuyện: "… Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Gã lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu cho cô. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính tàn nhẫn và lôi cô ra Sở cẩm, vu là gái đĩ. Thế là Bính bị đưa vào nhà "lục xì", sau đó rơi vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu. Sống ê chề cực nhục ở nơi bẩn thỉu hôi hám, Bính ốm nặng. Đau khổ, tuyệt vọng, Bính toan tự tử nhưng được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh ở Hải Phòng, một tên giang hồ đất cảng, chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc. Từ một cô gái quê xinh đẹp, hiền lành Tám Bính đã trở thành một con ăn cắp. Sống trong hoàn cảnh như vậy cô gái vốn dĩ hiền lành tìm mọi cách trở về với cuộc sống lương thiện và hy vọng khi Năm Sài Gòn ra tù sẽ khuyên y từ bỏ cái nghề bất lương và nguy hiểm…".
Tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít của mấy chị thanh nữ đứng cạnh tôi, vì các chị cám cảnh, vì các chị thương Tám Bính, cùng phận gái quê. Nghe kể chuyện xong, anh hĩm Trí nói: "Truyện hay quá, ông nhà văn này giỏi thật, làm sao ông ấy lại biết tường tận những chuyện đời éo le và giật gân như vậy nhỉ? Kể cả chuyện nhà "lục xì", chuyện "nhà chứa" ông ấy mô tả cứ như là ông ấy đã vào đó rồi. Thương cô Tám Bính quá đi mất, khổ một đời người và phí một đời con gái, mặc dù cô ta là người lương thiện".
Anh Thanh thì lại bảo: "Tôi phục Năm Sài Gòn, tuy trộm cắp, là trùm lưu manh, là tay giang hồ, nhưng vẫn có tấm lòng cao thượng, dám chuộc Tám Bính ra khỏi nhà chứa, chăm sóc cô nàng hết lòng, vẫn khát khao muốn trở thành người lương thiện…".
Tất cả mọi người đều thích thú với câu nói lóng trong tiểu thuyết này: "Anh đây công tử không "vòm" (nhà), ngày mai "kện rập" (hết gạo) biết "mòm" (ăn) vào đâu". Từ bữa đó, khắp làng tôi, đi đâu cũng nghe thấy đám trẻ con, đám thanh niên hát nghêu ngao câu nói lóng này.
Tôi thích, tôi tôn sùng nhà văn Nguyên Hồng từ hồi đó. Và đã có một sự tình cờ thú vị. Mấy chục năm sau, tôi có người bạn thân, người bạn "đồng nghiệp", chị chính là con gái của nhà văn tôi mến mộ này, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư. Hồi trước, đứng giữa ruộng lúa kể chuyện "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng cho bà con xã viên làng tôi nghe, tôi đâu có nghĩ, sẽ có ngày tôi là bạn thân của con gái ông.
Khi "thầy" được gọi bằng "thằng"
Khi chưa thành lập hợp tác xã nông nghiệp thì người làng tôi hầu như chẳng cần đến tính, đến toán. Chỉ cần chịu khó cày cấy, "tay làm hàm nhai", làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, "ăn no ngủ kỹ". Tuy nhiên, từ khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp thì tình hình hoàn toàn khác trước. "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ". Ruộng vườn là của chung, đi làm theo kẻng. Điểm bây giờ là quan trọng bậc nhất. Cho nên xã viên nào cũng cần điểm, phải biết tính điểm cho mình và tính điểm cho cả các xã viên khác nữa. Tính nhầm là mất điểm, mất điểm là mất thóc, mất thóc tại mình ngu mình dốt tính toán thì ức không chịu được. Hợp tác xã chủ trương dạy bổ túc văn hóa cho các xã viên, để nâng cao trình độ văn hóa cho họ, kể cả khả năng tính toán. Và tôi được Ban chủ nhiệm giao cho nhiệm vụ này, nghĩa là tôi làm thầy giáo dạy bổ túc văn hóa cho xã viên. Tôi vui vẻ, thậm chí vinh dự, nhận lời.
Giờ học bổ túc hằng ngày là buổi trưa, sau khi đi làm đồng về, từ 11 giờ 30 đến 13 giờ. Lớp tôi dạy có trên 30 học viên. Đa phần là những bậc cha chú của tôi. Trong đó có cả bố tôi. Ăn cơm trưa xong, hai bố con tôi cùng đến lớp. Con làm "thầy", cha làm "trò". Tôi chỉ dạy ba môn: Toán, Chính tả và Tập làm văn. Hôm nào viết Chính tả thì thôi Tập làm văn và ngược lại.
Tôi thường lấy các bài trong sách giáo khoa của học sinh phổ thông làm bài chính tả, đọc cho các học viên viết. Lỗi chính tả học viên của tôi thường phạm là lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã. Chẳng hạn làng Nguyệt Lãng thì họ lại viết "làng Nguyệt Lảng", kỹ thuật thì lại viết "kỷ thuật",… Tôi uốn nắn nhiều, họ có tiến bộ, nhưng cũng có người phạm đi phạm lại. Cứ miệng họ nói như thế nào thì tay họ viết đúng như vậy. Thực ra cũng không thể trách họ được, vì lẫn lộn hỏi (?) ngã (~) chính là đặc điểm của dân Thanh Hóa chúng tôi. Ngay cả tôi, nếu không tập trung cũng có khi "mắc lỗi" như vậy.
Vì trình độ học viên không đồng đều, cho nên khi dạy Toán tôi dạy từ dễ đến khó. Thoạt tiên cộng, trừ không có "nhớ", sau đó nâng lên trình độ cộng trừ có "nhớ". Nhân, chia cũng vậy, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Chia hết rồi mới đến chia có dư. Cuối kỳ tôi chuyển sang dạy quy tắc tam xuất. Đây được coi là môn khó nhất của lớp bổ túc văn hóa của tôi.
Đây là đề một bài toán đố dạng quy tắc tam xuất thuận của tôi hồi đó: Hợp tác xã nông nghiệp thôn Nguyệt Lãng phát động chiến dịch trồng cây gây rừng. 4 xã viên trồng được 36 cây xoan, vậy 50 xã viên trồng được bao nhiêu cây xoan.
Tóm tắt:
4 xã viên . . . . . . . . 36 cây
50 xã viên . . . . . . . X cây?
Giải: X = 50 x 36: 4 = 450.
Đáp số: 50 xã viên trồng được 450 cây xoan.
Trong số 30 học viên lớp tôi dạy bổ túc thì 25 người có đáp số đúng, giải được bài toán đố này, 5 người có đáp số sai. Những người có đáp số đúng họ rất mừng, rất hãnh diện. Họ đi khoe khắp làng về thành tích học tập và trình độ của mình. Bố tôi chẳng biết khoe với ai, trong bữa cơm chiều hôm đó, bố tôi bèn khoe với mẹ tôi:
- Mẹ mi biết không, trưa bữa ni (hôm nay) tau mằn (làm) được "quy tắc tam xuất" rồi đó.
Mẹ tôi ngớ người, hỏi lại bố tôi:
- "Quy tắc tam xuất" là cấy chi (cái gì) vậy hả ông?
Đi dạy bổ túc văn hóa cho xã viên hợp tác xã nông nghiệp làng tôi là một kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ của tôi. Như vậy, hai lần trong đời tôi làm thầy giáo. Vì, năm 1971 - 1972, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Ba Lan về, tôi làm cán bộ giảng dạy bộ môn Trắc địa Cao cấp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất thì tôi được gọi là thầy - thầy Lê Bá Thự. Nhưng hồi tôi dạy học ở làng, các học viên lớp học bổ túc văn hóa của tôi họ gọi tôi là "thằng" - "thằng Thự". Toàn là bậc cha chú của tôi cả mà. Chả lẽ bố tôi lại đi gọi tôi là "thầy". Không sao cả. "Thằng" ở làng tôi là cách gọi thân mật đó. Gọi là "thằng" quý giá chẳng khác gì gọi là "thầy", có khi còn hơn thế. Cho nên tôi bằng lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.