Hai Lúa đua tranh mở sân phơi

Thứ năm, ngày 31/03/2011 19:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày này, hàng ngàn nông dân các huyện Cai Lậy và Tân Phước (Tiền Giang) túa ra các sân phơi lúa. Họ làm "công nhân" phơi lúa ngay trên mảnh đất của mình.
Bình luận 0

Việc này góp phần tháo gỡ tình trạng thiếu lò sấy, cung cấp đủ nguồn hàng cho các chợ lúa gạo đầu mối. Ông Trần Văn Út Em - người chuyên mua lúa đưa về chợ mối đầu Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), nói rằng, chỉ cách đây 2 năm, nhiều hàng xáo như ông luôn rơi vào cảnh phải chạy đôn chạy đáo tìm sân phơi lúa.

Nhà nhà làm sân phơi

img

Hàng ngàn nông dân thiếu đất sản xuất ở Tiền Giang đã có thu nhập ổn định từ dịch vụ phơi lúa thuê.

"Tụi tui thường mua lúa ướt tại ruộng. Nhưng muốn bán lại cho các chợ đầu mối thì phải tìm lò sấy để hạt lúa đúng tiêu chuẩn, ẩm độ. Thiếu lò sấy, nhiều chủ ghe lúa dù đăng ký trước đó 1-2 tuần vẫn phải chấp nhận neo ghe dưới sông chờ chủ lò xếp lịch" - ông Út Em nhớ lại.

Giờ đây, cảnh đó không còn. Ngày 28.3, dọc theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865 nối huyện Tân Phước đến Cai Lậy dài hàng chục cây số, chúng tôi đếm sơ sơ gần 500 sân phơi lớn nhỏ. Sân nhỏ thì có chừng chục nhân công, sân lớn thì số lượng lên đến hàng chục người làm...

Theo người dân xã Phú Cường, ông Phạm Kim Lập là người đầu tiên bỏ tiền xây sân phơi lúa ở xã này vào năm 2009. Thời điểm đó, Phú Cường là chợ đầu mối lúa gạo nhưng chỉ có 2 lò sấy lúa với công suất 8 tấn/mẻ, không thể đáp ứng được nhu cầu. Lúc đó tràm xuống giá, nhiều chủ vườn tràm ở vùng này cũng nản lòng, bỏ đất hoang.

Sẵn có đất, ông Lập "làm liều" thuê thêm 0,6ha đất tràm rồi san phẳng, làm sân phơi công suất 140 tấn/mẻ, có bến tàu để ghe lúa neo đậu. Từ ngày "khai trương" sân đến nay, các bạn hàng xáo đăng ký lịch phơi luôn kín, hàng chục nhân công làm liên tục vẫn không xuể.

Thấy "dễ ăn", nhiều nông dân ở xã Phú Cường đua nhau phá đất trồng tràm, bạch đàn để mở sân phơi lúa làm dịch vụ. Người dân hai huyện Cai Lậy và Tân Phước ở dọc tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp cũng hối hả làm sân phơi. Những sân phơi như vậy, vừa giúp lao động địa phương có thu nhập, vừa giúp đầu ra của hạt lúa dễ dàng hơn.

Lợi kép

img Mỗi tấn lúa tốn phí phơi là 40.000 đồng, phí bốc vác lên xuống khoảng 45.000 đồng. Mỗi mẻ phơi kéo dài từ 2-3 ngày, tùy thời tiết. Tính ra nhân công tại sân phơi có thể thu nhập 100.000 - 150.000 đồng/ngày. img

Theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, dịch vụ sân phơi lúa cho thuê đang mọc lên như nấm ở Tiền Giang đã giải quyết rất tốt tình trạng thiếu lò sấy lúa, vốn đang là căn bệnh trầm kha.

"Khoảng 6.500 lò sấy lúa lớn nhỏ ở ĐBSCL hiện nay chỉ giải quyết được 30% nhu cầu phơi sấy. Xây dựng một lò sấy lúa công suất 8 tấn/mẻ tốn gần 100 triệu đồng, trong khi với số tiền này nông dân có thể làm sân phơi với công suất gấp nhiều lần. Tuy nhiên, điểm yếu của các sân phơi hiện nay là hoạt động khá kém vào mùa mưa nên các chủ sân cần phải đầu tư tới nơi tới chốn" - TS Bảnh nói.

Ông Trần Văn Mừng - chủ sân phơi công suất 80 tấn/mẻ ở xã Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước), cho biết, do chi phí đầu tư khá thấp, nên nhiều chủ sân chỉ cần một mùa là lấy vốn. Nhiều nông dân khác không có đất mở sân phơi thì đi phơi thuê, công việc tương đối ổn định.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường, các sân phơi đã giải quyết được công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động của địa phương và các xã lân cận. Ngoài hiệu quả kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, ưu điểm lớn nhất của dịch vụ cho thuê sân phơi lúa là hiện nay trên tỉnh lộ 865 không còn xuất hiện tình trạng phơi lúa tràn lan gây cản trở giao thông, vì vậy tai nạn cũng giảm đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem