“Hải lúa giống” và công cuộc chinh phục đất phèn

Thiên Trường - Ngọc Quyên Thứ ba, ngày 20/11/2018 19:57 PM (GMT+7)
Tiết trời vào thời điểm giao mùa, mưa ít, nước trên đồng cũng cạn dần. Kỹ sư Lê Văn Hải - Trưởng trại giống lúa Khánh Lâm thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau hết lội xuống đồng hướng dẫn cấy, giặm, lại xem từng bộ rễ lúa giống, đo tay thân lúa, đếm lá mầm…
Bình luận 0

Gian nan khai phá

Ngỡ là gần, dù đã nhiều lần vào đây, nhưng phải hơn một giờ đi xe từ TP.Cà Mau, luồn sâu vào tuyến T29 Khánh Lâm (xã Khánh Lâm, U Minh), chúng tôi mới đến được trại giống. Tiếp chúng tôi, anh Hải nói ngay: “Đi vậy là gần, sướng lắm rồi đó, ngày tôi vào đây làm gì có đường bê tông, có điện, toàn đi bằng xuồng”.

img

img

“Hải lúa giống” (phải) luôn tất bật với công việc lai tạo, sản xuất lúa giống. Ảnh: Thiên Trường

Hớp ngụm nước dừa xiêm lùn ngọt lịm, anh Hải cười nói: “Nguồn thu phụ thôi nhưng cũng đã góp phần cải thiện, chia sẻ cuộc sống cho anh em công nhân tại đây, tạo điều kiện cho anh em gắn bó, trách nhiệm hơn với sứ mệnh lai tạo giống lúa cho địa phương”.

Năm 1999, anh Hải (SN 1961, quê quán huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cùng kỹ sư Phạm Văn Mịch (hiện là Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau), nhận nhiệm vụ đi xuồng vào đây khảo sát, thành lập trại giống lúa, với mục đích khai phá vùng đất U Minh. “Ngày đó, chúng tôi phải đi từ rất sớm, rồi mang theo cơm để ăn, vào đến đây thì trời đã đứng bóng. Tôi phải vẹt sậy cao quá đầu người mà lần đường đi vào, cách vài thước là đã không nhìn thấy nhau” - anh Hải kể.

Là đất lâm trường mới khai thác, nhiều gốc tràm lớn như những hàng cọc cắm sâu vào lòng đất; dưới chân là nước phèn vàng hực những rong rêu, trông tận đáy; mặt đất lỏm chỏm nông, sâu, ai thấy cũng ngao ngán. Nhiều người nghĩ rằng sẽ rất khó trồng được cây gì ngoài cây tràm, nói gì trồng lúa, lại là lúa giống.

Tay mân mê những thân lúa non mỏng manh màu lá mạ, anh Hải say sưa kể: “Khó nhọc lắm, xa xôi và heo hút lắm. Nhân công chỉ lèo tèo vài người, máy móc vừa cũ, yếu và thiếu, nhiều khi đang cải tạo gặp trục trặc khiến chúng tôi rớt nước mắt”.

Vốn là con nhà nông, yêu ngành nông nghiệp, anh Hải bảo cuộc đời mình đã vận vào từng thớ đất ruộng, từng bộ rễ, bẹ lúa… Yêu cây lúa, anh đã cùng các cộng sự ngược xuôi đến các địa phương trong khu vực ĐBSCL, các viện, trường, nhằm tìm, lai tạo, nhân giống các bộ giống lúa có thể  sống khỏe trên đồng đất Cà Mau, vốn rất đa dạng về thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết.

Anh suy nghĩ, xứ này vùng thì phèn chua, vùng ngọt trong khi mùa khô thì hạn hán kéo dài, phải làm sao lai tạo những bộ giống lúa vừa chịu hạn, chịu mặn, chống đổ ngã.

Trái ngọt giai đoạn mới

Chỉ sau 3 năm tiếp nhận, cật lực cải tạo, năm 2013, vùng đất rừng hoang vắng ngày nào đã trở thành cánh đồng lúa giống bạt ngàn. Và vụ hè thu năm 2014, Trại tổ chức khảo nghiệm lúa giống. Rồi sau đó, 39 giống lúa sản xuất thử nghiệm và 21 giống lúa mới được trình diễn đã thuyết phục lãnh đạo, cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh, thắp lên niềm hy vọng cho nông dân.

Theo đó, trại đã chọn dòng thuần ST5, ST20, Một bụi đỏ, tép hành; cùng với đó là OM 9676, OM 6677 thế hệ G2. Đối với sản xuất lúa giống nguyên chủng, năng suất ước đạt 5 - 6 tấn/ha, gồm các dòng OM: 5451, 5954, 6162… Và từ đây, cái tên Cà Mau đã có vị trí trên “bản đồ” sản xuất lúa giống trong khu vực. Từ nền tảng này, địa phương tiến hành xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn. Sản lượng lúa ở Cà Mau liên tiếp tăng cao, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu xuất hiện trên địa bàn. Thương lái các tỉnh cũng ùn ùn về Cà Mau mua nguyên liệu.

Anh Hải tâm sự: “Triển vọng cây lúa địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, làm rộn vui trên những cánh đồng vốn vắng lặng sau thời chuyển dịch, trước sức ép khá lớn từ lợi nhuận cao của con tôm. Năm 2016, Trại tiếp tục sản xuất khảo nghiệm 4 bộ giống lúa, gồm 46 giống lúa, trong đó lúa thuần 33 giống, lúa lai 13 giống; sản xuất thử 11 giống lúa, trong đó tập trung vào các giống lúa có nhiều ưu điểm: OM 4900, RVT, OM 6162, OM5451, KGG1, OM 2517, CXT30, sói lùn…”.

Điều đáng mừng là sau đó hầu hết các loại giống lúa đều thích nghi với điều kiện sản xuất tại địa phương, nhất là khả năng chịu phèn mặn cao, năng suất đạt từ 4 - 8 tấn/ha tùy loại giống. Đặc biệt hơn, khi đây là lần đầu tiên lai tạo được giống lúa mang thương hiệu Cà Mau 1 và Cà Mau 2… có năng suất cao, ít nhiễm bệnh, chất lượng hạt gạo rất tốt.

Điều đáng quý là anh Hải và các cộng sự quyết tâm khôi phục và phát triển những giống lúa của địa phương như Một Bụi, Nàng Gáo... Hiện, Trại giống lúa Khánh Lâm trở thành một trong những trại sản xuất lúa giống lớn nhất tại ĐBSCL. Không những vậy, trại không “độc quyền” mà chia sẻ việc sản xuất lúa giống với những hộ dân có đủ khả năng, điều kiện và kinh nghiệm.

Cây lúa Cà Mau đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh, hội nhập toàn cầu theo xu thế sản xuất theo chuỗi giá trị, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc. Tỉnh đã có chủ trương thành lập vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay trên khu vực Trại giống Khánh Lâm và vùng mở rộng.

Hớp ngụm nước dừa xiêm lùn ngọt lịm giữa tiết trời hanh khô sau mưa, anh Hải cười nói: “Nguồn thu phụ thôi nhưng cũng đã góp phần cải thiện, chia sẻ cuộc sống cho anh em công nhân tại đây, tạo điều kiện cho anh em gắn bó, trách nhiệm hơn với sứ mệnh lai tạo giống lúa cho địa phương”. Đó là thành quả của việc tăng gia sản xuất tại trại, dừa, cà, ớt, quýt… được trồng trên bờ líp phát triển tốt.

Rời trại trong nắng gió U Minh, lướt qua những cánh đồng lúa xanh màu trên vùng đất khó T29, thấp thoáng những căn nhà được xây mới đã cho thấy sức sống nơi đây đang trỗi dậy, mới thấy hết công người đã góp phần gây dựng nên những bộ giống lúa phù hợp cho sản xuất đạt hiệu quả, làm thay đổi đáng kể ngành nông nghiệp, cho xứ âm u xưa kia nay khởi sắc.

Giờ đây, cơ sở hạ tầng tại Trại giống Khánh Lâm cũng đã phát triển. Kho chứa, máy sấy, máy lọc lúa giống, sân phơi, máy cày, cấy, gặt đập… đều được trang bị đầy đủ. Con người cũng được tăng cường, thành lập các tổ nghiên cứu, tổ sản xuất…

Dẫn các nhà đầu tư vào tham quan khu vực này, nhất là các nhà đầu tư đến từ tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử không giấu được khát vọng của tỉnh về việc phát triển nền nông nghiệp sạch tại đây. Theo ông, chính trại giống đã gây dựng nền tảng và động lực trong tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng.

Trại Giống lúa Khánh Lâm có được nền tảng vững chắc như ngày hôm nay đã minh chứng tình yêu và khát vọng với nghề sẽ mang lại những kết quả tích cực. Và kỹ sư Hải ngày nào giờ được mọi người quen gọi với cái tên thân thương “Hải lúa giống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem