Cơ giới hóa đồng bộ (bài 2): "Hai Lúa" tậu máy bay không người lái, sau 2 tháng làm dịch vụ lãi 300 triệu

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 21/08/2022 09:26 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sử dụng máy bay không người lái (drone) cũng như ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào nông nghiệp đem lại ý nghĩa rất lớn cho sản xuất.
Bình luận 0

Đặc biệt, máy móc, cơ giới hóa đồng bộ sẽ giúp nhà nông giải phóng sức lao động, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại cũng như góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Mạnh tay sắm máy bay không người lái phun thuốc thuê

Là một trong những nông dân có diện tích trồng lúa lớn ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Phát (SN 1959) - Chi Hội trưởng nông dân ấp Cây Me, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang luôn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.

Ông Phát cho biết: Hiện ông trồng 20ha lúa. Từ năm 2009, được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã, ông có điều kiện tham quan nhiều mô hình điểm, dự các lớp tập huấn, hội thảo ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên việc canh tác được cải thiện, năng suất lúa ngày càng tăng.

Những năm gần đây, gia đình ông Phát thuê máy bay không người lái để phục vụ các khâu chăm sóc lúa như sạ giống, phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân... Nhờ đó, ông Phát giảm được chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế được tăng lên.

Cơ giới hóa đồng bộ -nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài 2): Chi mạnh tay mua máy, làm dịch vụ - Ảnh 1.

Nông dân tại buổi trình diễn thiết bị máy bay không người lái phục vụ canh tác lúa tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Ảnh: T.L

Chủ tịch HĐQT HTX An Long (huyện Đức Hòa) Vương Trọng Nghĩa thông tin, với máy bay không người lái, người dùng chỉ việc pha thuốc đưa vào bình chứa, sau đó dùng bộ điều khiển từ xa để vận hành máy bay phun thuốc trên đồng lúa. Nhờ giải pháp này, HTX đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí...

Tương tự, ông Nguyễn Thọ Trường (ở huyện Tri Tôn, An Giang) còn bạo tay đầu tư tới 600 triệu đồng sắm máy bay không người lái để làm dịch vụ phun thuốc thuê. Chỉ sau 4 tháng, ông Trường đã có đủ tiền lãi sắm chiếc thứ hai. 

Cứ đến mùa gieo cấy là điện thoại của ông Trường liên tục nhận được cuộc gọi đặt hàng phun thuốc, bón phân. Ông phải lên lịch "bay", gom những thửa ruộng cùng tuyến đường, rồi gọi thợ lái máy bay không người lái để thông báo lịch trình làm việc.

Ông Trường cho biết, lần đầu tiên được xem máy bay phun thuốc trình diễn trên đồng ruộng 5 năm trước, ông đã "mê" ngay. Ông nhẩm tính trung bình 1 vụ, nông dân phun thuốc 8-10 lần, gấp nhiều lần so với sử dụng máy gặt đập liên hợp. Năm ngoái, nhận thấy nhu cầu của bà con địa phương tăng cao, ông quyết định chi tiền tậu chiếc drone đầu tiên. 

Ngoài phục vụ việc chăm sóc 12ha lúa của gia đình, ông còn làm dịch vụ cho bà con có nhu cầu với giá thuê trung bình 160.000 đồng/ha.

Chỉ sau 2 tháng mở dịch vụ, drone của ông đã phun được hơn 2.800ha, doanh thu hơn 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công (người lái, 1-2 phụ tá), nhiên liệu 30%, chưa tính khấu hao máy móc, ông lãi hơn 300 triệu đồng. Theo ông Trường, vào ngày mùa vụ cao điểm, có khi 5 máy vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Nhu cầu ngày càng lớn

Trước đây, HTX An Long (huyện Đức Hòa, Long An) phải thuê máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật 8ha lúa của thành viên HTX. Nhận thấy thiết bị này có nhiều ưu điểm, đem lại hiệu quả cao, HTX đã quyết định đầu tư mua máy.

Chủ tịch HĐQT HTX An Long (huyện Đức Hòa) Vương Trọng Nghĩa cho biết, ngày trước mỗi ha lúa phải mất 250 lít thuốc BVTV và mất hàng giờ phun bằng tay, lại phải đeo bình thuốc trên lưng rất nặng nhọc và độc hại, thì giờ đây dùng máy bay phun thuốc chỉ mất 10 lít thuốc/ha và khoảng 30 phút/ha.

Ngoài ra, trong khi phun thuốc, gió từ cánh quạt máy bay vạch từng nhánh lúa khiến thuốc BVTV đi vào tận gốc, trong khi nếu phun thuốc thủ công không thể làm được điều này. Nếu có mưa phùn, mưa nhỏ, việc phun thuốc bằng máy bay vẫn đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh những "Hai Lúa" tự đầu tư mua sắm máy móc để phục vụ gia đình và làm dịch vụ, nhiều địa phương đã thành lập các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và điểm tư vấn dịch vụ khuyến nông. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ ra mắt Điểm tư vấn dịch vụ khuyến nông và đại lý phân phối máy bay không người lái.

Ông Võ Xuân Tân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, hoạt động chính của Điểm tư vấn dịch vụ khuyến nông là tư vấn miễn phí cho nông dân về các chính sách đầu tư, hỗ trợ của ngành nông nghiệp. Tư vấn về khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, các quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị và thu nhập...

Địa chỉ này cũng là nơi cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Lúa giống, rau màu, phân bón, thuốc BVTV hữu cơ, sinh học và các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Nhà màng, nhà lưới, thiết bị tưới tự động...

Đồng thời, điểm tư vấn cũng giới thiệu, bán và cho thuê các loại máy nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là máy bay không người lái phục vụ sạ lúa, bón phân và phun thuốc BVTV. Hiện, giá thuê dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái dao động từ 180.000-250.000 đồng/ha, tùy địa bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem