Hai nhà thiết kế GenZ và cảm hứng thời trang từ "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng

Hà Thúy Phương Thứ ba, ngày 23/08/2022 15:10 PM (GMT+7)
Hai nhà thiết kế GenZ chia sẻ với Dân Việt về cảm hứng thời trang được lấy từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và ảnh hưởng của văn học Việt với sáng tạo của người trẻ.
Bình luận 0
Hai nhà thiết kế GenZ và cảm hứng thời trang từ "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng - Ảnh 1.

Tác phẩm trong bộ sưu tập Ỡm ờ của Nguyễn Thị Minh Tâm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ảnh: NVCC

Tuần lễ thời trang tốt nghiệp của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội (LCDF) vừa qua gây chú ý khi có 2 nhà thiết kế lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Theo đó, các bộ sưu tập đưa ra ý tưởng về những trang phục truyền thống cách tân, đậm chất "tân thời": Trần Quốc Anh – bộ sưu tập Hạnh phúc của một tang gia và Nguyễn Thị Minh Tâm - bộ sưu tập Ỡm ờ. Mỗi bộ sưu tập mang góc nhìn riêng nhưng đều thể hiện óc sáng tạo mới lạ của những NTK GenZ cùng thái độ trân trọng với những tác phẩm văn học giá trị của Việt Nam. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với hai bạn trẻ này.

Chào Nguyễn Thị Minh Tâm và Trần Quốc Anh! Tại sao các bạn lấy cảm hứng văn học cho bộ sưu tập của mình? Ý tưởng này đến với các bạn từ bao giờ?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Vốn là một người thích văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam nên trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tôi đã nghe rất nhiều Podcast về văn học. Và tự nhiên có một ngày tôi nghĩ rằng: "Hay là bộ sưu tập tốt nghiệp lấy concept này nhỉ?". Và đó chính là những ý tưởng sơ khai về bộ sưu tập của tôi.

Trần Quốc Anh: Tôi là một người rất yêu văn hoá, luôn mong muốn được làm và gửi tới khán giả những sản phẩm đậm tính văn hoá truyền thống. Các tác phẩm văn học của Việt Nam luôn có sức mạnh vô cùng to lớn giúp truyền tải các thông điệp vì nó là những giá trị vô hình nhưng lại hữu hình cùng năm tháng.

Ý tưởng này đến với tôi khi đại dịch đến, chúng ta mất mát quá nhiều về con người, vật chất và cả tinh thần. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, con người ta lại tìm về giá trị cốt lõi của dân tộc là văn hoá. Phù hợp với bối cảnh này, tôi đã chọn tác phẩm văn học Số đỏ để làm bộ sưu tập tốt nghiệp của mình.

Hai nhà thiết kế GenZ và cảm hứng thời trang từ "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng - Ảnh 2.

Tác phẩm trong bộ sưu tập Ỡm ờ của Nguyễn Thị Minh Tâm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ảnh: NVCC

Những hình tượng văn học nào được các bạn lấy làm cảm hứng? Các bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Tôi không có hình tượng cụ thể những hình tượng văn học mà tôi lấy làm cảm hứng từ nghệ thuật trào phúng trong văn học của Vũ Trọng Phụng. Đó là một nét riêng biệt không lẫn được của ông so với tất cả các nhà văn cùng thời. Câu từ của ông có một chút cay nghiệt, một chút đỏng đảnh và nhiều chút "xéo xắt" khiến tôi không thể ngừng đọc, ngừng nghe.

Từ cảm hứng chính đó, tôi đi nghiên cứu ở các bảo tàng lịch sử, tìm kiếm nhiều tư liệu và phát triển nên bộ sưu tập này. Tôi cũng chỉ là một sinh viên năm cuối, kinh nghiệm của tôi chưa quá nhiều mà tôi muốn bộ sưu tập này không chỉ "đã" về phần nhìn mà còn phải mang một ý nghĩa thời cuộc nào đó.

Tôi rất quan tâm đến vấn đề thời trang ảnh hưởng lên môi trường như thế nào. Cho nên, tôi lựa chọn cho mình thiết kế theo hướng sustainable, mong phần nào đó có thể truyền cảm hứng đến người xem. Vì sử dụng chất liệu tái chế từ quần áo cũ, vải vóc cũ. Khác với bình thường là mình ra chợ lựa chọn vải, tôi phải đi lùng sục khắp các chợ đồ "si", chọn chất liệu nào phù hợp với concept, nhiều hoạ tiết nhưng vẫn có thể phối được với nhau. Thậm chí, tôi lùng sục kho đồ cũ của gia đình hay xin vải cũ từ các tiệm may.

Và vì giảng viên của chúng tôi hầu hết đều là người nước ngoài nên quá trình thực hiện bộ sưu tập, cả hai bên đều khó truyền đạt thông tin đến nhau. Tôi là người Việt Nam, tôi hiểu văn học nước nhà nhưng giảng viên họ không thể hiểu rõ "nghệ thuật trào phúng" trong văn học Việt Nam là gì và Vũ Trọng Phụng là ai. Cho nên, đôi khi việc diễn đạt ý tưởng sẽ hơi chậm lại.

img
img
img

Các tác phẩm trong bộ sưu tập Ỡm ờ của Nguyễn Thị Minh Tâm. Ảnh: NVCC

Trần Quốc Anh: Cảm hứng của tôi được lấy từ tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tác phẩm mang đầy tính châm biếm, hài hước mà sâu cay. Sự "cải cách" và "tân thời" trong tác phẩm lại phù hợp với hiện nay khi mọi thứ xung quanh chúng ta phát triển vô cùng hiện đại, những giá trị xưa cũ vô tình bị lãng quên nay lại là những điều mới mẻ với mọi người".

Các bạn muốn truyền tải thông điệp gì qua  những tác phẩm của mình?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Ngoài thông điệp bảo vệ môi trường trong bộ sưu tập, tôi còn muốn thể hiện chính tính cách cá nhân cũng như phong cách thời trang của mình đến tất cả mọi người. Với các thế hệ sau, tôi hy vọng mình được là một phần cảm hứng của các bạn trên con đường đi tìm phong cách thiết kế cá nhân của mỗi người.

Trần Quốc Anh: Tôi muốn gửi tới khán giả thông điệp là sự tích cực trong cuộc sống. Hạnh phúc của một tang gia của Quốc Anh là sự tri ân cho những gì mất đi của đại dịch, những điều chúng ta đã chịu suốt 2 năm qua. "Tạm biệt tất cả, chúng ta vui vẻ để đón nhận những điều mới đang nảy nở, sinh sôi từ tro tàn. Phần trình diễn của các tác phẩm còn là bản hoà ca của văn hoá truyền thống vừa gợi lại ký ức của thế hệ trước vừa gây tò mò cho các bạn trẻ khao khát văn hoá

Hai nhà thiết kế GenZ và cảm hứng thời trang từ "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng - Ảnh 4.

Trần Quốc Anh (áo phông đen) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ cho bộ sưu tập của minh. Ảnh: NVCC

Quan điểm của các bạn về việc lấy cảm hứng sáng tạo từ các tác phẩm văn học Việt Nam đối với người trẻ?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Văn học Việt Nam là một phạm trù rộng lớn, tôi nghĩ đó là cả một kho báu để thế hệ sau có thể lấy cảm hứng và sáng tạo ra nhiều tác phẩm khác nhau. Tuỳ cách cảm nhận của mỗi người mà sẽ có những hướng khai thác khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta biết, chúng ta tìm hiểu sâu về nó chứ không phải là tìm hiểu hời hợt, thấy hay thì lấy đại, như vậy cũng là một cách tôn trọng các tác giả.

Trần Quốc Anh: Văn học nghệ thuật là cái nôi nuôi dưỡng tâm thức của mỗi người, nhưng mỗi cái tôi lại cho chúng ta một cảm nhận khác nhau. Chúng ta hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói riêng của mình, để tiếng nói cũ trở nên mới hơn, để những tác phẩm văn học lại tiếp tục được sống trong lòng công chúng.

Hai nhà thiết kế GenZ và cảm hứng thời trang từ "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng - Ảnh 5.

Nhà thiết kế GenZ Nguyễn Thị Minh Tâm. Ảnh: NVCC


Theo các bạn việc tiếp cận văn học Việt Nam hiện nay với giới trẻ trong nhà trường đã phù hợp chưa? Người trẻ cần có cách tiếp cận như thế nào?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Tôi nghĩ việc tiếp cận văn học ở Việt Nam trên ghế nhà trường còn tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người và một phần phụ thuộc vào cách truyền tải bài giảng của giáo viên. Bản thân tôi đã sống trong một môi trường cả bố mẹ đều là những người có kiến thức rộng trong lĩnh vực văn học. 

Thêm nữa là trong suốt quá trình học, đặc biệt là những năm học THPT, tôi được học lớp đầu khối chuyên Văn. Giáo viên của tôi cũng có cách thức truyền tải kiến thức dễ dàng đến với học sinh, cho nên việc tiếp cận văn học với tôi là dễ dàng. Nhưng sẽ có những người không thấy như tôi, họ chỉ thấy Ngữ văn là một môn học thuộc, công thức cũng như Toán, Lý, Hoá… Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, với sự ảnh hưởng rộng rãi của các nền tảng video ngắn, người trẻ đã có thể tiếp cận dễ dàng hơn, thú vị và súc tích hơn với văn học, với điều kiện là phải biết chọn lọc các nguồn thông tin. Tôi nghĩ đó cũng là một cách hay để người trẻ tiếp cận gần hơn với văn học nước nhà.

Trần Quốc Anh: Việc tiếp cận văn học Việt Nam hiện nay với giới trẻ trong nhà trường còn rập khuôn, mọi người chưa thực sự được nói lên cảm nhận của mình. Việc cá nhân hoá cảm nhận sẽ giúp kích thích sự đam mê và khát khao của giới trẻ.

img
img
img
img

Các tác phẩm trong trong bộ sưu tập Hạnh phúc một tang gia của Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC

Các ý tưởng về dự án trong tương lai của các bạn có thể tiết lộ được không?

Nguyễn Thị Minh Tâm: Từ nhỏ, tôi đã thích vẽ, thích nhìn những thứ xinh đẹp và đặc biệt là thích điệu. Con gái ai cũng thích điệu, nhưng bạn bè tôi luôn nói: "Mày điệu kiểu lạ lùng", còn mẹ tôi thì chê tôi từ nhỏ đến lớn với phong cách thời trang của tôi. 

Chê thì chê như vậy, nhưng tôi may mắn luôn được bố mẹ ủng hộ và trợ giúp hết sức mình trên con đường thời trang. 

Hiện tại, sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ đảm nhận vị trí thiết kế thời trang cho một thương hiệu mang nét truyền thống Việt Nam và tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những dự án cá nhân của mình để lấy thêm kinh nghiệm, để trong một tương lai xa hơn, tôi có thể tự mở cho mình một thương hiệu cá nhân mang chính phong cách của tôi đến với giới trẻ.

Trần Quốc Anh: Tôi là một bạn trẻ yêu văn hoá và có mong muốn chấn hưng văn hoá Việt.

Thời gian tới, tôi sẽ tập trung nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm văn hoá liên quan đến tín ngưỡng của Việt Nam với đa dạng hình thức khác nhau.

Xa hơn nữa, tôi đang theo học thêm tại khoa Biên đạo múa đại chúng trường Sân Khấu - Điện ảnh để có thể nắm bắt bao quát hơn nghệ thuật sân khấu và đưa tới cho khán giả những buổi trình diễn văn hoá nhằm thúc đẩy văn hoá Việt Nam.

Cảm ơn Nguyễn Thị Minh Tâm và Trần Quốc Anh đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem