Không muốn xa gia đình, vợ con, anh Nguyễn Văn Vương ở thôn 2 An Lạc, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo (Tp. Hải Phòng) đã về quê cùng vợ làm giàu từ trồng rau an toàn, nuôi dế, nuôi chim bồ câu Pháp, bước đầu cho thu nhập từ 400 -450 triệu đồng / năm.
Bỏ nghề nhiều người mơ ước
Sau khi tốt nghiệp đại học Hàng hải, anh Vương đã xin vào làm tại một công ty vận tải biển có tiếng, lương thu nhập cũng được từ 35 -40 triệu/ tháng. Tuy nhiên, công việc luôn luôn phải phụ thuộc vào người sử dụng mình. Hơn nữa, đi biển cũng khá nhiều rủi ro, bất trắc, bản thân phải xa gia đình, vợ con biền biệt.
Nuôi chim bồ câu không kén thức ăn, kháng bệnh tốt
Thương bố, mẹ ngày đêm lo lắng cho mình, anh Vương đã trăn trở suy nghĩ, tính toán, rồi nảy ra ý định về quê dựng nghiệp. Anh muốn tự mình gây dựng việc gì đó không phải đi xa như đi tàu biển mà vẩn giữ mức thu nhập tương đối cho cho gia đình. Đắn đo mãi, cuối cùng anh đã mạnh dạn xin nghỉ việc, trở về quê hương thầu đất làm trang trại trồng rau.
Vừa may, gặp lúc địa phương đang thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đấu thầu toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại, gia trại, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, anh Vương đã nhận đấu thầu khu đất bãi bồi ven sông Luộc với diện tích 1 ha. Dành thời gian đi tham khảo và học hỏi kinh nghiệm làm mô hình ở nhiều địa phương khác, cuối cùng anh quyết định bỏ công sức quật lập cải tạo làm trang trại trồng rau hữu cơ, nuôi dế thương phẩm và nuôi chim bồ câu Pháp.
Không đủ hàng cung cấp
Với đồng vốn ít ỏi, anh Vương đã vay mượn thêm bạn bè, người thân cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Anh Vương đã đầu tư xây dựng 2 nhà nuôi dế với quy mô 200 m2.
Nhờ ham học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sách, báo, qua mạng internet về kỹ thuật nuôi dế, anh đã có thành công nhất định. Với 40 thùng dế thương phẩm mỗi tháng cho thu từ 200 -250 kg dế với giá bán từ 100.000 đ - 200.000 đ/kg.
Chim bồ câu Pháp đẻ từ 8 - 10 lứa/ năm
Có thu nhập từ nuôi dế, anh Vương tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà nuôi chim bồ câu Pháp. Qua tìm hiểu anh Vương nhận thấy chim bồ câu Pháp có nhiều ưu điểm, chúng là loài có sức đề kháng cao, dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn, có trọng lượng cao hơn chim bồ câu địa phương mà không tốn thời gian chăm sóc. Hơn nữa, bồ câu Pháp là 1 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thơm ngon, có giá thành vừa phải nên thị trường ưa chuộng.
Năm 2016, anh Vương đã mạnh dạn đầu tư gần 1.000 đôi chim bồ câu Pháp. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh đã nhập phải loạt chim bồ câu giống kém chất lượng nuôi chậm lớn lại hỏng nhiều. Sau dần anh em trong Hội chim Bồ câu Miền bắc đã giúp đỡ anh khắc phục, anh Vương đã lấy lại tự tin tiếp tục nhân đàn để cung cấp chim bồ câu thương phẩm và giống bán.
Chuồng chim phải bảo đảm khô thoáng, đảm bảo ấm về mùa đông
Anh Vương chia sẻ: Chim bồ câu Pháp sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi nở cho đến khi bồ câu ra ràng là 45 ngày. Trong khoảng thời gian này bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con nên tốc độ sinh đàn và quay vòng, thu hồi vốn khá nhanh. Bên cạnh đó, đây là loại động vật có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, nguồn thức ăn dồi dào như ngô, thóc, cám công nghiệp.
Theo anh Vương, hơn nữa, phương thức nuôi nhốt tập trung tiết kiệm được diện tích và thuận tiện cho việc chăm sóc đem lại hiệu quả cao. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, công tác phòng trừ dịch bệnh theo mùa cho chim cũng được đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, đàn chim bố mẹ được tiêm phòng vắc-xin theo lịch, chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, đảm bảo cho chim được ấm về mùa đông.
Anh Vương đang thí điểm nuôi tắc kè để nhân giống
Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh Vương xuất bán khoảng 400 - 500 cặp chim con, giá bán mỗi cặp thương phẩm từ 150.000 - 250.000 đồng/cặp có trọng lượng 0,5 kg, mỗi cặp chim giống từ 2 tháng tuổi có giá 250.000 đồng. Trừ chi phí bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng từ chim. Những mối hàng mua lẻ là không có chim bán, lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng.
Ông Bùi Văn Môn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong đánh giá cao về mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Vương. Mô hình thường xuyên được khách hàng cũng như nhiều hộ gia đình vào tận nhà đặt hàng, tham quan, học tập.
Ngoài trồng rau hữu cơ, nuôi dế và chim bồ câu, anh Vương còn đang thí điểm nuôi gà ác, tắc kè và nuôi hươu sao. Tới đây, anh tiếp tục đầu tư thêm hệ thống chuồng trại bài bản để nuôi nhiều thứ con đặc sản khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.