Hải Phòng: Đầm nuôi thuỷ sản đìu hiu

Thứ hai, ngày 22/11/2010 15:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nuôi trồng thuỷ sản ở Hải Phòng đã từng "phất" to, nhờ các đầm nuôi thuỷ sản nước lợ trải dọc bãi bồi ven biển. Nhưng giờ đây, các đầm nuôi này rất đìu hiu, không còn lao xao tôm, cá...
Bình luận 0
img
Dây chuyền chế biến mực của Nhà máy Chế biến F42 "nằm chơi" do thiếu nguyên liệu.

Thất bát kéo dài

Huyện Tiên Lãng có dải bãi bồi lớn nhất Hải Phòng, trong đó diện tích nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) nước lợ lên tới hơn 2.000 ha. Đây là địa phương có phong trào NTTS nước lợ từ khá sớm, điển hình là các xã: Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang…, với những vụ tôm phất lên trông thấy.

Đáng tiếc, 5 năm trở lại đây, những cánh đồng NTTS này lại rất đìu hiu. Hầu hết các hộ có đầm không đầu tư vào việc nuôi trồng mà trông vào nguồn lợi tự nhiên hoặc nuôi thả quảng canh, năng suất rất thấp.

img Do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất nên các nhà máy chế biến thuỷ sản trên địa bàn chỉ đạt khoảng hơn 50% công suất thiết kế. img

(Ông Bùi Trọng Tuấn- GĐ Sở NN&PTNT Hải Phòng).

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT Hải Phòng, tổng sản lượng NTTS huyện Tiên Lãng 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 8.700 tấn, trong số này, nuôi nước lợ chỉ chiếm sản lượng rất nhỏ. Nguyên do, hộ nuôi theo hướng công nghiệp liên tục bị thất bát do tôm nuôi bị bệnh, những hộ khác nuôi quảng canh thường bỏ bễ, không đầu tư vì lo sợ đầm nuôi nằm trong quy hoạch, có thể bị thu hồi bất kể lúc nào.

Vùng NTTS ven biển Tràng Cát thuộc quận Hải An cũng vậy! Sơ bộ thống kê ở đây có khoảng 200 hộ nuôi tôm tự phát, trong đó chỉ có 1 hộ nuôi theo hướng công nghiệp, còn lại đều nuôi quảng canh. Một chủ đầm cho biết: 2 năm nay, sản lượng tôm thu được từ các đầm giảm tới 70%.

Căn nguyên cũng như trên, do thắc thỏm đầm nằm trong quy hoạch nên chủ đầm không dám đầu tư. Mặt khác, những diện tích khả năng ổn định thì manh mún, chủ đầm "lực bất tòng tâm", không có điều kiện đầu tư hạ tầng thuỷ lợi cũng như cải tạo đầm nuôi. Vì vậy, hiệu quả nuôi trồng không cao.

img
 

Cần sớm quy hoạch chi tiết vùng nuôi thuỷ sản

Ông Đào Viết Thuận - Phó Giám đốc phụ trách thuỷ sản- Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, NTTS nói chung, nuôi thuỷ sản nước lợ nói riêng, địa phương có một số lợi thế, trong đó 5-6 vùng đã được chuyển đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng hơn 8.000ha đầm đang nuôi trồng hiện nay rải rác rất manh mún.

Sở đã tham mưu cho thành phố quy hoạch chi tiết, nhằm ổn định diện tích nuôi, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Đặc biệt, để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, Sở cũng đang đề nghị thành phố thu hồi những diện tích đầm không sử dụng đúng mục đích hoặc sản xuất cầm chừng để giao cho những hộ có năng lực hơn.

Ông Thuận cũng khẳng định, NTTS tại các vùng nước lợ của Hải Phòng chỉ có thể hiệu quả khi hệ thống hạ tầng thuỷ lợi vùng nuôi được đầu tư, ô đầm được cải tạo, máy móc được trang bị. Tuy nhiên, đa phần các hộ khó khăn, không đủ năng lực tài chính để chủ động đầu tư.

Ngoài ra, để phát triển NTTS bền vững ở địa phương, theo chúng tôi, vấn đề xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm nguồn nước tại các vùng NTTS cũng cần phải được địa phương khắc phục triệt để. Muốn vậy, phải điều tra, xử lý kiên quyết đối với những cơ sở có hành vi xả thải bừa bãi. Có như vậy, hộ NTTS mới yên tâm đầu tư lớn mà không sợ thất bát, để đầm… chết yểu như hiện nay

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem