Hải Phòng: Nghị quyết 45-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương

Trần Phượng Thứ tư, ngày 07/08/2024 14:14 PM (GMT+7)
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình luận 0

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, những thành tựu mà TP Hải Phòng đạt được đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống.

Theo số liệu thống kê, có 3/7 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 45-NQ/TW đã gần đạt, hoặc hoàn thành. Theo đó gồm, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13% (đến nay đạt 12,6%); Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44%-45% (đến nay đạt 43,26%); Cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.

Hải Phòng: Nghị quyết 45-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng. Ảnh: PV.

Hải Phòng phấn đấu cuối năm 2024 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm; đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố có những bước phát triển đột phá. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: Miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước.

Tại Hội nghị sơ kết nêu trên, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.

Hải Phòng: Nghị quyết 45-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương- Ảnh 2.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu trao đổi tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của TP Hải Phòng. Ảnh: PV.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á;... còn chưa thực sự rõ nét.

Công tác thể chế hoá một số mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 45-NQ/TW chậm được triển khai; có 4/7 chỉ tiêu chưa hoàn thành, gồm tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước; Tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; GRDP bình quân/người; Thu ngân sách trên địa bàn.

Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố chưa mạnh, còn khoảng cách khá lớn so với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dịch vụ logistics phát triển chậm, du lịch phát triển chưa bền vững.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Vận tải hành khách công cộng chưa thực sự phát triển. Tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm vẫn thường xuyên diễn ra.

Đô thị Hải Phòng còn nhỏ, tốc độ mở rộng không gian đô thị còn chậm; một số tiêu chí đô thị loại I chưa đạt. Tính kết nối giữa các đô thị không đồng bộ.

Hải Phòng: Nghị quyết 45-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương- Ảnh 3.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng. Ảnh: PV.

Văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thiếu trung tâm lớn cấp vùng về giáo dục đào tạo, y tế. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều, chưa thực sự huy động được các nguồn lực xã hội. Khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. An sinh, phúc lợi xã hội có nhiều tiến bộ nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Tiến độ thực hiện chuyển đổi số còn chậm; …

Tại Hội nghị nêu trên, các chuyên gia còn chỉ ra ý kiến của các chuyên gia, Hải Phòng vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển, vẫn còn một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; Nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng; …

Để phát triển Hải Phòng theo mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết 45, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới; trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem