Hai tuần ở tòa soạn báo nông dân Thụy Điển

Ngọc anh Thứ tư, ngày 18/02/2015 08:08 AM (GMT+7)
Khi tôi viết những dòng này, kỷ niệm những ngày được sống và làm việc với những người làm báo cho nông dân Thụy Điển vào tháng 9.2014 lại ùa về đầy ắp. Hai tuần lễ tôi được làm việc ở tòa soạn báo ATL là những ngày không thể quên.
Bình luận 0

Làm việc trong “không khí” nông sản

img

 Tác giả (trái) chụp cùng một nữ chủ trang trại trồng lúa mì vùng Montala.

Người đón tôi với khuôn mặt tươi cười và sự thân thiện ở sân bay Copenhaghen (Đan Mạch) là thầy giáo Peter Somerstain. Thầy Peter đã sang dạy học ở Báo Nông Thôn Ngày Nay 2 khóa về tòa soạn hội tụ và chính thầy là người kết nối tờ báo của tôi với tòa soạn báo ATL - một tờ báo dành cho nông dân Thụy Điển để tôi có được chuyến đi tìm hiểu, học tập trong 2 tuần này. Trên con đường từ Đan Mạch về thành phố Malmo (Thụy Điển)- nơi có trụ sở tòa soạn báo ATL, thầy Peter đã kịp chỉ cho tôi những cánh đồng củ cải đường xanh ngút mắt. Tầm ấy khi tôi sang, các nông trại Thụy Điển đang vào mùa thu hoạch lúa mì, và những đồng củ cải đường thì vẫn đang xanh tươi. Trên các cánh đồng, những chiếc thùng chứa cỏ khô chuẩn bị cho gia súc ăn trong mùa đông tròn to như những chiếc bát úp khổng lồ, trông ngồ ngộ.

 

Tòa soạn ATL nằm trong một tòa nhà ngay sát cảng biển của Malmo, nhà báo Lars Vernersson - Giám đốc xã luận của báo - người cầm chịch chuyên mục quan trọng nhất của tờ báo bảo tôi: “Tôi rất thích tòa nhà này, bởi vì chỉ cần ngồi tại bàn làm việc của tôi cũng có thể nhìn xuống bến cảng, ở đó các hoạt động bốc dỡ hàng hóa nông sản Thụy Điển xuất đi các nước quanh năm rất nhộn nhịp. Tôi chỉ cần nhìn xuống đó là biết, à, bây giờ người ta đang xuất khẩu sữa, lúa mì, đại mạch hay yến mạch... Và điều đó thực sự gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng trong công việc”.

img

Ảnh nhỏ: Củ cải đường nhà báo Tina nhổ trên cánh đồng. Ảnh lớn: Những cánh đồng củ cải đường xanh tươi.

Biết tôi từ Việt Nam sang, các phóng viên trong tòa soạn khi gặp đều hỏi thăm, và yêu cầu rất háo hức: “Bạn kể cho chúng tôi về Việt Nam đi, ở đó đời sống nông dân thế nào, sản phẩm nông nghiệp chính của các bạn là gì...?”. Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều tôi ngồi nói chuyện với Malin Eborn- nữ phóng viên chuyên theo dõi mảng đề tài liên quan đến các loại hạt (lúa mì, đại mạch, yến mạch…). Nữ nhà báo cao ráo, xinh đẹp như một người mẫu, đã tỉ mỉ cặn kẽ hỏi tôi rất nhiều điều về cây lúa Việt Nam. Nhờ có trang Google, tôi chỉ cho Malin xem rất nhiều hình ảnh về cây lúa, về bệnh rầy nâu gây ra hiện tượng cháy lá và bệnh vàng lùn xoắn lá ở cây lúa làm thiệt hại đến mùa màng của người nông dân... Khuôn mặt cô ngập tràn sự thông cảm.

 

Hiểu biết và chia sẻ

Tôi đã đi cùng nhà báo Torbjörn Esping đến một trang trại ở Motala- một thành phố cách Malmo chừng 400km về phía Bắc để viết bài. Ở đó chúng tôi đã gặp 3 chủ trang trại Thụy Điển, họ trẻ trung, lịch thiệp như những nữ nhân viên văn phòng hay chủ doanh nghiệp. Tôi hỏi Torbjörn, vấn đề lớn nhất mà các nông dân Thụy Điển đang gặp phải là gì, anh trả lời là họ muốn Chính phủ có những chính sách tốt nhất cho họ, nới lỏng một chút những điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản bởi vì hiện nay (thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9.2014- PV) nước Nga dừng nhập khẩu nông sản từ châu Âu và nông dân Thụy Điển cũng bị ảnh hưởng.

Tôi sẽ nhớ mãi Tina Andersson - một nữ nhà báo chuyên theo dõi mảng lâm nghiệp của ATL, người đã chủ động mời tôi về nhà để biết thêm về đời sống nông thôn Thụy Điển. Nhà chị cách trụ sở báo chừng 40km, ở một vùng nông thôn thuần chất với cánh đồng củ cải đường, những cánh rừng trồng cây công nghiệp, trang trại gia súc và những chiếc cối xay gió chạy bằng điện cao to lừng lững. Tina lái xe đưa tôi đi, vừa đi vừa giảng giải về công việc của chị, say sưa nói về những cánh rừng che phủ hầu khắp diện tích đất nước này, loại gỗ nào để sản xuất ra đồ gỗ gia dụng IKEA- một niềm tự hào của người Thụy Điển.

Hai tuần ở ATL, tôi được sống trong tình cảm vô cùng ấp áp của những đồng nghiệp Thụy Điển. Khi chia tay, rất nhiều đồng nghiệp ở đây đã hẹn với tôi sẽ đến Việt Nam để cùng lội xuống một thửa ruộng lúa nước cùng với tôi, giống như tôi đã đi bộ tới mỏi chân trên cánh đồng lúa mì trải rộng mênh mông cùng họ.

  Với đất nước có khoảng hơn 9 triệu người, nông dân Thụy Điển chỉ chiếm 2% dân số, đời sống của họ tuy không phải hàng đầu nhưng cũng thuộc tầng lớp khá giả, có “của ăn của để” trong xã hội, và rất được coi trọng.   
  Tạm biệt ATL, sẽ nhớ mãi Thụy Điển, nhớ mãi những ngày được làm việc bên cạnh những đồng nghiệp làm báo cho nông dân Thụy Điển. Chúng tôi tuy khác tiếng nói, màu da, khác biệt văn hóa, nhưng chúng tôi như anh em một nhà, vì chúng tôi là thành viên của hai đại gia đình nông dân Việt Nam và Thụy Điển.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem