Hạn chế thiệt hại cho rau màu mùa lạnh

Thứ tư, ngày 18/02/2015 08:04 AM (GMT+7)
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cảnh báo phòng tránh rét đến người dân, nên đợt rét vừa qua, nhiều tỉnh miền núi đã không chỉ tránh được những thiệt hại cho vật nuôi mà còn giảm thiệt hại về cây trồng.
Bình luận 0

Ngay từ đầu mùa đông, Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân phòng chống rét cho cây trồng. Sau đây là một số giải pháp:

img
Dùng mảng phủ nilon để chống rét cho rau màu. Ảnh tư liệu.

 

Chủ động phòng chống rét:

- Đảm bảo chế độ nước tưới thích hợp với cây trồng: Đối với ngô, hành tỏi, khoai tây, cà chua, dưa chuột…  nên dùng phương pháp tưới rãnh bằng cách bơm nước vào rãnh để nước tự ngấm là tốt nhất, còn với cà, bầu bí, cải bắp, su hào, các loại đậu… có thể tưới theo nhu cầu của từng loại cây.

- Sử dụng màng phủ nông nghiệp có tác dụng chống rét, giữ ấm cho cây trồng rất tốt ngoài ra còn hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại…

- Không gieo trồng trong những ngày giá rét nhiệt độ thấp dưới 13 độ C kéo dài dù thời vụ đã đến, nhất là với cây lạc, đậu tương, ớt, ngô xuân… Phải chú ý nghe dự báo thời tiết,

- Đảm bảo bón đủ và cân đối lượng phân và bón đúng lúc, vừa giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời góp phần hạn chế được tác hại của thời tiết bất thuận. Giảm bón đạm, bón nhiều phân lân, kali trong các đợt rét đậm, có tác dụng làm giảm độ nhớt trong chất nguyên sinh của tế bào chất (nhiệt độ thấp làm chất nguyên sinh trong tế bào gia tăng độ nhớt, đông đặc lại) giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hoá trong cây được thuận lợi, hoạt động mạnh, cây hút được nước, dinh dưỡng tăng khả năng chống rét. Bón lót cho rau phải dùng phân chuồng đã được ủ hoai mục.

img
Nông dân xã Thụy Hương (Kiến Thụy) chăm bón rau màu vụ đông.

Tăng sức chống chịu rét và sâu bệnh hại:

 

 - Các loại rau như: Hành hoa, ớt, các loại cây họ cà (cà chua, khoai tây xuân), rau họ cải (bắp cải, su hào, su lơ… ) phải tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm.

- Tỉa thưa hợp lí cành, nhánh (nhất là đối với cây cà chua), làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh hại. Tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả như cà chua, bí đỏ...

- Phòng trừ kịp thời các loại dịch sâu, bệnh mới phát sinh, gây hại:

Với cây cà chua, khoai tây, ớt, hành hoa, bí đỏ, su hào, cải bắp phòng, trừ bệnh mốc sương, mốc xám, thán thư bằng thuốc nội hấp: Alpine 80WP nồng độ 0,3%; Ridomin MZ 72 WP nồng độ 0,2-0,3%; dung dịch Boocdo 1-1,5%… khi trời âm u, mưa phùn, khoảng 5-15 ngày phun/lần, tuỳ từng loại thuốc. Phun chất tăng trưởng Vườn sinh thái cho rau màu 5-10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét và sâu, bệnh hại.

Với cây ngô cần kết hợp với bón phân lân và tưới nước để giúp cho bộ rễ phát triển mạnh. Tập trung chăm bón mạnh trong giai đoạn đầu khi cây có 9-10 lá, lượng phân cần bón thúc là 3 kg phân đạm + 4 kg phân kali cho 1 sào Bắc bộ. Thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho ngô sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Với cây hành, tỏi nên tập trung bón đạm, lân vào giai đoạn sau trồng 60-70 ngày; phân kali bón sau trồng 80-90 ngày mới tạo cho củ to và chắc. Tổng lượng phân dùng cho cả quá trình là: 6 kg đạm + 25-30 kg phân lân + 4 kg phân kali cho 1 sào Bắc bộ.

Với cà chua và khoai tây nên tập trung bón thúc làm 2-3 đợt từ sau khi trồng bén rễ, hồi xanh hoặc khi cây đã mọc cao 5-7 cm cho tới khi cây ra các chùm hoa thứ 2, thứ 3 và đã đậu được chùm quả thứ nhất (đối với cà chua), hoặc khi cây bắt đầu xuống củ (đối với khoai tây) với lượng phân: 10-12 kg phân đạm + 25-30 kg phân lân + 10-12 kg phân kali cho 1 sào Bắc bộ được chia đều cho 2-3 lần bón. Hạn chế bón đạm khi cây đã ra hoa, đậu quả, nhất là thời gian có nhiệt độ thấp, sương muối, thiếu ánh sáng nhằm hạn chế tác hại của bệnh mốc sương, sương mai, héo xanh, héo rũ.

Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh hại bằng cách phun phòng kịp thời với định kỳ 10 ngày/lần với các loại thuốc trừ nấm đặc hiệu như Ricide, Ridomil, Aliette, Antracol... để trừ các bệnh sương mai, mốc sương, thán thư, đốm lá là tốt nhất cho cây trồng. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc trừ nấm nội hấp 2 chiều khác hiện đang có bán tại các đại lý thuốc BVTV và sử dụng đúng loại, đúng liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì và cán bộ kỹ thuật. Đối với các loại rau ăn lá như bắp cải, đậu đỗ, cà chua v.v... nên dùng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc vi sinh hoặc sinh học như Tập Kỳ 1,8 DD, BT... để diệt sâu tơ và các loại sâu khác nhằm hạn chế dư lượng thuốc trên sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Phục hồi sau rét:

 Đối với các vườn rau đã bị thiệt hại do tuyết, băng giá nên tận thu và chuẩn bị nguồn hạt giống rau ăn lá ngắn ngày để gieo bổ sung khi thời tiết thuận lợi.

Đối với diện tích rau chưa bị thiệt hại và còn khả năng phục hồi, cần tuyên truyền để nông dân không bón đạm đơn, mà dùng phân NPK hoặc phân vi sinh, phân hữu cơ…bón cho cây kết hợp tủ gốc bằng mùn và các vật liệu giữ ấm, ẩm.

Minh Tuấn (tổng hợp) (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem