Hạn khốc liệt chờ vụ đông xuân

Thứ ba, ngày 15/02/2011 17:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mùa khô năm 2011, dòng chảy toàn mùa của hạ lưu sông Hồng và Thái Bình có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 40%. Đây sẽ là năm khô hạn kéo dài và khốc liệt nhất trong 100 năm qua.
Bình luận 0

Khô hạn trong nhiều tháng

 img
Bơm nước chống hạn vụ đông xuân 2011. (Ảnh chụp tại xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội).

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa cạn 2011, đến tháng 2, 3 - 2011 mực nước sông Hồng (tại Hà Nội) nhiều khả năng sẽ tụt thấp nhất trong lịch sử, ở dưới mức 1m. Còn dung tích hữu ích ở 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang hiện chỉ đạt 60-70% so với thiết kế. Ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng Cục Thủy lợi) cho biết:

Khô hạn năm nay sẽ gay gắt hơn những năm trước, trong khi tính riêng đồng bằng và trung du Bắc bộ, lượng nước tưới cho sản xuất ước tính 650.000ha. Ông Bùi Minh Tăng -Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định: Từ nay đến tháng 4-2011, nền nhiệt độ các tỉnh phía Bắc thấp hơn các tháng vụ đông xuân phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Vì thế ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng sẽ tiếp tục khô hạn trong nhiều tháng.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, theo ông Tăng, hiện tại và giữa vụ, mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, thời gian cuối vụ xấp xỉ trung bình nhiều năm. Dòng chảy các sông Bắc bộ từ thượng lưu đến hạ lưu giảm nhanh và nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10-40%, riêng lượng nước đến các hồ chứa sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 17-42%.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Lai Châu, Phú Thọ… đang quyết liệt trong việc chuyển đổi cây lúa sang các cây trồng chịu hạn khác. Ước tính sẽ có 10.000ha trồng lúa phải chuyển đổi.

Ráo riết chống hạn

img Các địa phương cần chủ động kinh phí chống hạn chứ chờ khi có kinh phí mới chống thì không kịp. Việc hỗ trợ kinh phí chống hạn sẽ được triển khai sớm nhất có thể. img

Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, nhưng theo ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nước (Tổng cục Thủy lợi), dù có triển khai biện pháp gì thì phương châm đầu tiên là nông dân cần phải biết sử dụng nước hết sức tiết kiệm, hợp lý, tránh tình trạng dùng nước ồ ạt, lãng phí.

Đến nay, toàn ngành thủy lợi đã và đang tích cực sửa chữa, bảo dưỡng gần 10.000 máy bơm ở khu vực phía Bắc, đồng thời lắp đặt khoảng 1.200 máy bơm điện và 3.800 máy bơm chạy dầu dã chiến; nạo vét cửa cống, kênh dẫn...

Tích nước, tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp được lựa chọn cho mùa khô này. Diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng ngô, rau màu ở các tỉnh phía Bắc vào khoảng 10.000 - 15.000ha. Chuyển hẳn trà lúa đông xuân 2010 - 2011 sang xuân muộn, nghĩa là gieo và cấy trong tháng 2 để sử dụng nước tập trung, hiệu quả.

Một giải pháp nữa được Cục Trồng trọt đề ra là tính toán thời điểm xuống giống tập trung, chủ yếu cho trà xuân muộn, phấn đấu ở đồng bằng sông Hồng chiếm từ 95 - 97% tổng diện tích vụ xuân, vùng Bắc Trung bộ chiếm khoảng 60%. Vì thời gian xả nước đúng vào thời điểm sát và sau Tết Nguyên đán nên các địa phương và bà con nông dân phải tập trung cao độ để lấy nước và giữ nước, tránh thất thoát, lãng phí.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem