Hạn ngạch xuất khẩu gạo: Đừng đánh mất cơ hội thu lợi nhuận tốt cho nông sản

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 24/04/2020 06:43 AM (GMT+7)
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, việc để hạn ngạch trong xuất khẩu gạo có thể gây chậm trễ thời gian, cửa quyền, tiêu cực,… và đánh mất đi cơ hội thu lợi nhuận tốt cho nông sản Việt.
Bình luận 0

Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị bàn về tình hình lượng gạo hàng hóa ở cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu mặt hàng này. Tại sự kiện, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và doanh nghiệp (DN) cho rằng, thị trường trong nước không có chuyện thiếu gạo.

Do đó, các địa phương và DN đề xuất nên cho xuất khẩu không có hạn ngạch để thúc đẩy xuất khẩu tránh tồn kho nhiều gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở Công Thương Long An khẳng định, gạo lúa trong nước sẽ tiêu thụ ít hơn mọi năm vì người dân trữ thêm nhiều mỳ gói. Hơn nữa, vụ hè thu cuối tháng 5 đã thu hoạch nên việc xuất khẩu gạo là rất cần thiết tránh tồn kho ảnh hưởng giá cả.

"Đáng lẽ giờ chúng ta phải xuất khẩu gạo tăng vì thị trường đang tiêu thụ tốt", ông Đức cho hay.

img

Duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo sẽ khiến ngành nông nghiệp Việt Nam đánh mất cơ hội lớn?

Ngoài ra, đại diện của Đồng Tháp cũng cho biết, vụ hè thu năm nay tỉnh đang xuống giống 139.000ha và chuẩn bị thu hoạch gần 50.000ha vụ mùa. Do đó cần giải quyết nhanh hàng tồn tại cảng, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp, bỏ hạn ngạch đăng ký xuất khẩu.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia đồng ý với đề xuất bỏ hạn ngạch vì cho rằng cách điều hành xuất khẩu gạo như hiện tại có thể khiến Việt Nam mất cơ hội tốt.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, các doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu còn tồn số lượng gạo rất lớn. Trong khi đó, việc xuất khẩu có hạn ngạch tồn tại nhiều mặt hạn chế.

Theo ông Thủy, vấn đề bất cập hiện nay là việc xin - cho giữa các doanh nghiệp và hiệp hội lương thực, Bộ Công Thương, từ đó làm chậm thời gian, tạo nên cửa quyền và sinh ra nhiều tiêu cực khó kiểm soát.

Ngoài ra, tình trạng trên khiến việc tồn hàng tại bến cảng dài ngày làm chất lượng gạo giảm sụt vì gạo chỉ lưu kho được khoảng 7,5 tháng, thiệt hại nặng nề, dẫn đến không thể xuất khẩu đi được và nếu bán nội địa thì thua lỗ lớn.

"Chính sự chậm trễ, xuất khẩu hụt số lượng làm mất giá gạo và thiệt thòi cho người dân. Chúng ta hãy nhìn vào bài học năm 2008 để đánh giá", ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, năm 2008, khi mà Việt Nam đang xuất gạo với giá 900 USD một tấn (giá hiện tại gần 400 USD) thì có lệnh ngừng xuất khẩu khiến giá gạo giảm còn trên 300USD.

Trong khi Thái Lan mở kho xuất đi ào ào thì dân mình cay đắng chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Sau này, giới kinh doanh đánh giá, Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt.

Đánh giá về mức độ an ninh lương thực, ông Thủy khẳng định, Việt Nam không thể thiếu mà tồn kho rất nhiều.

"Nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3 - 4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu.

Nếu vụ mùa của chúng ta vẫn ở mức độ bình thường thì chúng ta vẫn có thể đạt được 43 triệu tấn thóc, tương đương 30 triệu tấn gạo/năm. Nếu cộng với số thóc, gạo dự trữ Quốc gia là 7,5 triệu tấn và hơn 1,5 triệu gạo tồn kho năm 2019 chuyển sang thì lượng tồn kho còn rất nhiều", ông Thủy phân tích.

Ngoài ra, ông Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT thông tin thêm, Việt Nam có lúa gạo sản xuất rất nhiều, nếu chính sách thông thoáng, giá tốt thì người dân được lợi, càng khuyến khích họ trong sản xuất tăng sản lượng. Do đó, an ninh lương thực không phải là vấn đề quá lo ngại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem