Hàn Quốc nói về nguồn vốn viện trợ chính thức ODA cho Việt Nam

V.N Thứ ba, ngày 30/06/2020 18:00 PM (GMT+7)
Việt Nam là đối tác mà Hàn Quốc cung cấp viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất và sẽ tiếp tục đồng hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, sắp tới nguồn vốn ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực.
Bình luận 0

Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc" được Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức hôm nay (ngày 30/6) tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện diện hơn 50 tỉnh thành Việt Nam.

Hơn 4.000 chuyên gia Hàn Quốc đã nhập cảnh Việt Nam

Giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp do Covid-19, chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu là những chủ đề được hai bên thảo luận nhiều tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tụ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn thuận lợi, an toàn và lâu dài tại Việt Nam.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các địa phương đã giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc trong dịch Covid-19, kiểm soát dịch chặt chẽ,  không nhà máy nào của Hàn Quốc bị đóng cửa, tạo điều kiện cho các chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam và giúp họ theo dõi sức khỏe tại sân bay, khu cách ly và quay lại nơi làm việc.  

"Từ tháng 3 đã có hơn 4000 người Hàn Quốc đã được phép ưu tiên nhập cảnh Việt Nam, nhiều hơn số người được ưu tiên nhập ảnh của bất kỳ quốc gia nào đầu tư vào Việt Nam", Đại sứ cho biết.

Không nước nào thuận lợi như Việt Nam trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Hội nghị được sự quan tâm lớn của cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.

Phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Đại sứ Park Noh-wancho rằng, hai bên có nhiều cơ chế thúc đẩy hợp tác, song vẫn chưa có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa các doah nghiệp Hàn Quốc với các địa phương, đặc biệt là ít cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp miền Trung, nơi còn thiếu các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc. Đại sứ đề xuất thành lập hội đồng tư vấn kinh doanh miền Trung để thúc đẩy hợp tác giữa khu vực này với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Đại sứ lưu ý thời gian qua Quốc hội Việt Nam  đã thông qua luật đối tác công tư, đồng thời Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam –  EU có hiệu lực năm nay sẽ mở ra nhiều thị trường lớn. Đại sứ dự báo đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm được khôi phục, nhưng lúc này Chính phủ Việt Nam và phía Hàn Quốc cần hợp tác khắc phục các khó khăn sau dịch để tạo điều kiện cho dòng đầu tư mới.

Trong tháng 5/2020, quy mô thương mại Việt – Hàn giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Việt Nam, Chủ tịch KOTRA Đông Nam Á và Châu Đại Dương Kim Ki-joon cho rằng, để thúc đẩy đầu tư thương mại, hai bên nên hợp tác đổi mới ngành công nghiệp bằng nền kinh tế số, mở rộng tư các lĩnh vực công nghiệp phi trực diện, từ phân phối trực tuyến, giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khỏe thông minh. 

Hai bên cũng cần  tìm kiếm mô hình tăng trưởng trong vai trò là cứ điểm sản xuất tiêu biểu của toàn khu vực, không có tình trạng "tắt nguồn", sản xuất các mặt hàng mũi nhọn minh bạch an toàn, không có sự đình trệ trong dịch.

"Là quốc gia trọng tâm trong chiến lược Trung Quốc +1", Việt Nam thu hút sự chú ý của toàn cầu trong vai trò là quốc gia  hưởng lợi lớn nhất trong công cuộc sắp xếp lại chuỗi giá trị Đông Á", ông Kim Ki-joon nói.

"Không quốc gia nào thay thế được các nhân tố thuận lợi của Việt Nam trong vai trò là một cứ điểm sản xuất triển vọng sau dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, cũng như vai trò là quốc gia trung tâm của ASEAN. Nhất là giá trị tương đối lớn về hạ tầng ưu việt gồm mạng lưới cung cấp của các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các đối tác khác đã đầu tư tại Việt Nam.

Trong quá trình sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Hàn Quốc và Việt Nam đang tiến đến bước nhảy vọt trở thành cử điểm sản xuất có năng lực cao nhất ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á", ông Kim Ki-joon phân tích.

Cũng có ý kiến tương tự, ông Cho Hang-deog, Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA tại Việt Nam cho rằng,  tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng như hậu quả đại dịch Covid-19  báo trước sự thay đổi trong chuỗi cung ứng tòa cầu,  nhưng Việt Nam là một quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong sự thay đổi đó.

Một trong những biện pháp nữa để phục hồi kinh tế là nối lại du lịch và đi lại giữa hai nước, đại diện ngành du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam đã đề xuất Việt Nam bãi bỏ cách ly 14 ngày với người Hàn Quốc tại Việt Nam.

5 trọng tâm mới của ODA từ Hàn Quốc

Cảnh báo Việt Nam cần cảnh giác với bẫy thu nhập trung bình, khi mức lương người của người lao động không thể bứt phá lên múc cao hơn, ông Cho Hang-deog giới thiệu kinh nghiệm của các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình là cần dựa trên mô hình nghiên cứu phát triển và đổi mới cải cách. 

"Việt Nam cũng cần giải quyết các thách thức về cách biệt thành thị nông thôn, sự tan rã của cộng đồng, vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng khả năng thích ứng về biến đổi khí hậu… Thách thức về phát triển bền vững sẽ hiệu quả nếu có đối tác song hành.

Việt Nam là đối tác mà Hàn Quốc cung cấp viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất. Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới", ông Cho, vị đại diện cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc, cam kết.

Để sử dụng nguồn lực ODA có hạn, ông Cho cho biết, sắp tới ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực: Quan hệ đối tác kỹ thuật số nhằm phát triển toàn diện; Giáo dục bậc cao vì một tương lai tốt đẹp hơn; Xây dựng cộng đồng hòa bình tương lai Hàn Quốc – Mekong; phát triển thành phố thông minh gắn với thiên nhiên và con người; Tổng thể giao thông để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cân bằng. Phía Hàn Quốc sẽ tìm kiếm các nguồn lực công tư khác để đóng góp cho phát triển của Việt Nam.

Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Park Ki-dong đề xuất, củng cố y tế công cộng nên là một lĩnh vực ODA mới của Hàn Quốc cho Việt Nam.

Ông Park cho rằng, hội thảo hôm nay tổ chức được là nhờ kiểm soát thành công Covid-19 ở Việt Nam. Ông chúc mừng Chính phủ và  người dân Việt Nam với thành tựu đó.  

"Thành tựu đó khiến thế giới phải xem lại hệ thống y tế công cộng của Việt Nam. Hệ thống còn nhiều hạn chế nhưng cả nước hợp lực và phản ứng nhanh chóng nên dịch được kiểm soát tốt", Tiến sĩ Park nói.

Ông Park đề xuất củng cố y tế công cộng là một lĩnh vực chính để Hàn Quốc xây dựng chương trình ODA với Việt Nam bởi nhiều lý do. Thứ nhất, trong khủng hoảng, một quốc gia an toàn có thể tiếp tục phát triển kinh tế.

"Một lý do nữa, mô hình của Hàn Quốc xứng đáng để Việt Nam học hỏi, ứng dụng thực tế. Đó là hệ thống y tế công cộng có 4 lĩnh vực: Kiểm soát bệnh truyền nhiễm; quản lý giấy phép thực phẩm và dược phẩm, kiểm tra và đánh giá  bảo hiểm y tế, dịch vụ y tế; kiểm tra quản lý giấy phép nhân lực chăm sóc sức khỏe và hệ thống đánh giá năng lực – cả 4 hệ thống đều được thực hiện bởi các cơ quan chuyên trách và là ưu tiên hàng đầu cho hỗ trợ kỹ thuật của WHO với Việt Nam", ông Park nói.

Tiến sĩ Kim cho rằng Việt Nam có thể tìm hiểu kinh nghiệm của Hàn Quốc trong từng quá trình phát triển, cách đầu tư nghiên cứu và học hỏi từ sai lầm của Hàn Quốc. Việt Nam cũng nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển giao công nghệ, chuẩn bị đẩy đủ và tiếp cận lâu dài để thấy được thành quả ODA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem