Hàng giả, hàng nhái sắp "trắng bóng" trên sàn thương mại điện tử
Hàng giả, hàng nhái sắp "trắng bóng" trên sàn thương mại điện tử
Vũ Khoa
Thứ sáu, ngày 31/03/2023 16:01 PM (GMT+7)
Hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đã được siết chặt trên các kệ hàng truyền thống. Tuy nhiên trên môi trường thương mại điện tử, việc này gặp nhiều khó khăn hơn.
Từ 2 triệu đến xấp xỉ 30 triệu đồng là chênh lệch về mức giá của một chiếc Galaxy S23 Ultra trên kênh bán hàng điện tử Shoppe. Chỉ riêng với từ khóa này, hàng chục ngàn kết quả đã được nhà cung cấp dịch vụ đưa ra. Điều tương tự cũng diễn ra ở kênh Lazada. Theo các nhà phân phối bán lẻ, mức giá siêu rẻ như trên khả năng cao là hàng giả, hàng nhái có xuất xứ không rõ ràng. Tất nhiên khi lựa chọn các sản phẩm này, người tiêu dùng phải chấp nhận mang về sự kém cỏi trong chất lượng. Chu kỳ bảo hành, hỗ trợ về sau cho sản phẩm cũng gần như là không có.
"Tôi từng mua một chiếc máy tính bảng trên Shopee với giá 2,5 triệu đồng. Khi đó shop bán hàng khẳng định sẽ đảm bảo bảo hành, sửa chữa. Dùng được khoảng 2 tuần, do sơ suất nên máy vỡ màn hình, tôi liên hệ lại với shop bán hàng để thay thế thì nhận được câu trả lời là phải mang máy lên Lạng Sơn do ở Hà Nội không có trung tâm. Những cửa hàng ở gần đều không có phụ kiện thay thế, tôi đành vứt bỏ chiếc máy", anh Quang, người từng mua hàng giá rẻ trên sàn thương mại điện tử chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm công nghệ, những nhãn hàng thời trang gắn mác Gucci, Dior, Louis Vuiton, 3lenciaga.. cũng tràn ngập và ở mức giá từ... vài chục nghìn đồng. Có những sản phẩm chỉ xấp xỉ vài phần trăm so với giá trị được hãng đưa ra. Theo các chuyên gia ngành bán lẻ, có thể phân biệt hàng kém chất lượng là hàng hoá của hãng sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường, nhưng vì lý do nào đó chất lượng sản phẩm không đạt chất lượng.
Hàng giả có thể thuộc tất cả các loại hàng hóa, từ cao cấp đến những mặt hàng tiêu dùng thông thường là những sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường. Hoặc đó là những sản phẩm, hàng hoá không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc. Nói cách khác, hàng giả là hàng không có giá trị sử dụng, hoặc giá trị sử dụng không đúng so với công dụng đã được công bố.
Còn hàng nhái là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường nhưng không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường. Nó là loại hàng hoá được sao chép lại từ sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng hoặc các sản phẩm đã được nhà nước cấp phép lưu thông ra thị trường.
Sẽ thu hồi giấy phép thương mại điện tử nếu phát hiện vi phạm
Nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy pháp triển thương mại điện tử bền vững. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu đề ra 100% các sàn giao dịch điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả. 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử. Cũng như người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý thị trường thực hiện rà soát, hệ thống hóa và tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thương mại điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, phát triển hạ tầng, thiết bị phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Chính phủ yêu cầu sự vào cuộc của các Bộ Công an, Bộ Công thương phối hợp cùng các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, thu thập và xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các trang thông tin điện tử, mạng xã hội vi phạm pháp luật trong hoạt động sẽ ngừng, tạm ngừng hoặc thậm chí là bị thu hồi giấy phép nếu vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử. Mặt khác, các hành vi buôn luậu, gian lận thương mại và hàng giả; quản lý thuế sẽ được các đơn vị Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế siết chặt quản lý. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đưa ra các biện pháp, chính sách phù hợp với tập quán, văn hóa để giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.