Hàng không Việt Nam còn nhiều khó khăn để phục hồi hoàn toàn

Gia Linh Chủ nhật, ngày 17/12/2023 17:55 PM (GMT+7)
Cục Hàng không cho biết thị trường vận tải hàng không đã và đang có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa đạt kỳ vọng. Theo đó, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách và 1,1 triệu tấn hàng hóa.
Bình luận 0

Hàng không đang có dấu hiệu phục hồi

Sau thời gian gần như đóng băng vì ảnh dưởng dịch bệnh, ngành hàng không đã bắt đầu khởi sắc khi sản lượng hành khách nội địa và quốc tế có dấu hiệu tăng trưởng. Theo Cục Hàng không, thị trường vận tải hàng không đã và đang có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa đạt kỳ vọng. Theo đó, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách và 1,1 triệu tấn hàng hóa.

Sản lượng này tăng tương ứng 34,5% về hành khách nhưng giảm 9,3% về hàng hóa so với năm 2022. So năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), giảm 7,4% về hành khách và 12% về hàng hóa.

10 tháng đầu năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 241 nghìn chuyến bay, trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 204 nghìn chuyến, chiếm tỷ lệ 85%.

Hàng không Việt Nam còn nhiều khó khăn để tiến tới phục hồi - Ảnh 1.

Hành khách qua đường hàng không đang phục hồi. Ảnh: Gia Linh

Lãnh đạo Cục Hàng không cho hay ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong năm 2023. Cụ thể, giá nhiên liệu tăng cao trong điều kiện thị trường vận tải hàng không chưa hồi phục hoàn toàn đã tiếp tục tạo ra nhiều khó khăn cho các hãng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không, gia tăng tình trạng chậm thanh toán dịch vụ giữa hãng hàng không và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa các đơn vị. Điều này làm ảnh hưởng đến dây chuyền hoạt động liên tục của ngành hàng không và ảnh hưởng đến hành khách.

Thực tế thời gian qua, các hãng bay đã rất nỗ lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu, cắt giảm chi phí... Có hãng còn tăng cường việc bán các suất ăn trên chuyến bay để tăng cường doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cũng các hãng điều là các con số khiêm tốn, trong đó hãng hàng không còn là số âm.

Lý giải nguyên nhân, các hãng bay cho biết lý do chính là vì vật giá leo thang, chi phí nhiên liệu bị "đội giá" khiến hàng không gặp khó. Theo đó, trong cơ cấu giá, nhiên liệu thường chiếm tới 25-28% chi phí khai thác.

Theo một hãng hàng không, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 đã tăng tới 58,6%. Theo đó, giá nhiên liệu tăng từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. Trong khi đó, giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng.

Ngoài ra, các yếu tố về lãi suất, tỷ giá cũng là "vật cản" khiến các hãng bay khó tiến tới phục hồi. Bởi lẽ, chi phí vận chuyển hàng không phần lớn chi phí bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại thu bằng Việt Nam đồng.

Phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm Tết

Cục Hàng không xác định mục tiêu trước mắt các đơn vị cần năng cao nâng lực phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm Tết. Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) rà soát, đôn đốc đơn vị thi công và hoàn thành việc thi công sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình theo đúng kế hoạch được duyệt, đảm bảo hoàn thành và hoàn trả mặt bằng vào khai thác trở lại trước dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Chủ động rà soát các đơn vị vận tải được nhượng quyền khai thác (taxi,...) tại các cảng hàng không, tăng số lượng phương tiện đưa/đón hành khách tại cảng hàng không khi khai thác chuyến bay đêm; cần thiết chủ động phối hợp và có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải các địa phương chỉ đạo tăng cường các phương tiện đưa/đón hành khách tại cảng hàng không khi khai thác chuyến bay đêm.

Hàng không Việt Nam còn nhiều khó khăn để tiến tới phục hồi - Ảnh 3.

Hàng không sẵn sàng kế hoạch phục vụ cao điểm Tết. Ảnh: Gia Linh

Ngoài ra, các hãng hàng không được yêu cầu chủ động cung cấp thông tin, truyền thông, hướng dẫn hành khách về thủ tục khi đi máy bay (làm thủ tục hàng không-check in; soi chiếu an ninh hàng không, đặc biệt khi hành khách đến các quốc gia có yêu cầu đặc biệt về kiểm soát an ninh hàng không) để phổ biến cũng như nâng cao nhận thức của hành khách khi tham gia vận chuyển hàng không.

Điều hành lịch bay, tuân thủ nghiêm slot được xác nhận theo kế hoạch bay ngày, triển khai các giải pháp giảm chậm hủy chuyến, tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cảng hàng không để cập nhật kế hoạch bay ngày, tránh gây khó khăn, lãng phí trong công tác phục vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, quản lý hoạt động bay.

Đáng chú ý, các hãng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp chậm, hủy chuyến; tiếp nhận, xử lý phản ánh của hành khách, người dân về hoạt động vận chuyển của hãng một cách nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là trong cao điểm Tết Nguyên đán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem