Hàng loạt ngành học mới được mở năm 2024, có ngành lương 20 triệu đồng sau tốt nghiệp

Tào Nga Chủ nhật, ngày 14/01/2024 06:40 AM (GMT+7)
Hiện tại nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố các phương thức tuyển sinh và có thêm nhiều ngành học mới để đón đầu xu thế.
Bình luận 0

Nở rộ nhiều ngành học mới trong mùa tuyển sinh năm 2024

Tuyển sinh năm 2024 ghi dấn ấn với hàng loạt các ngành học mới sẽ được mở tại các trường. Theo thông báo kế hoạch Xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024, nhà trường dự kiến sẽ mở 6 ngành mới, gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động.

Trong đó, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chỉ tiêu là 100, các ngành còn lại chỉ tiêu là 50. Cũng theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn đào tạo cả cử nhân và kỹ sư.

Hàng loạt ngành học mới được mở năm 2024, có ngành lương 20 triệu đồng sau tốt nghiệp- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Năm nay, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh. Trường dự kiến mở mới một chuyên ngành, đó là ngành Điện tử viễn thông, Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại Trụ sở chính Hà Nội. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của trường dự kiến là 4.130 chỉ tiêu.

ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2024, nhà trường dự kiến mở thêm 2 ngành đào tạo mới là ngành Kinh tế số và ngành Kỹ thuật phần mềm, cả hai ngành mới được dự báo là những ngành có sức hút lớn đối với thí sinh: "Ngành Kinh tế số và ngành kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM hướng đến đào tạo người học theo định hướng nghề nghiệp, có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về chuyên môn, tương thích với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo đáp ứng các yêu cầu thị trường lao động quốc tế, theo định hướng công dân toàn cầu; có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và có nền tảng kiến thức vững chắc để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn".

ThS. Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay.

Thầy Chung cho biết, việc mở các ngành học mới luôn được các trường "cân nhắc kỹ lưỡng" trên cơ sở điều tra, khảo sát từ nhu cầu xã hội, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng về mở ngành theo quy định của Bộ GDĐT. "Đây đều là những chuyên ngành mà xã hội đang rất cần. Với mỗi chuyên ngành, nhà trường sẽ chú trọng đào tạo chuyên sâu các kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực", ông Chung nói.

Một ngành "lên ngôi", sinh viên ra trường nhận lương hấp dẫn

Trong số các ngành được mở trong năm tới, Công nghiệp bán dẫn, Thiết kế vi mạch dự báo sẽ là ngành được nhắc đến nhiều nhất. Nhu cầu của thị trường lao động ngày càng cao và mức lương hấp dẫn, đây cũng là ngành được nhiều cơ sở đào tạo đẩy mạnh tuyển sinh trong thời gian tới. 

Thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong mùa tuyển sinh 2024. Có thể kể đến như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Cuối năm 2023, có 3 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM gồm Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành trên. Các đại học cho hay việc mở chương trình và tăng cường chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử.

Khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch - bán dẫn TP.HCM (HSIA) cho thấy, kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15-30 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi/năm.

Còn ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500 - 3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ TT&TT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem