Hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng tuồn ra nước ngoài khiến lòng dân phẫn nộ, xót xa

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 05/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết: "Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy lòng dân phẫn nộ, xót xa, ai oán vì các hành vi tham nhũng, hàng nghìn tỷ đồng tuồn ra nước ngoài".
Bình luận 0

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước

Ngày 4/9, phát biểu kết luận Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa 9, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kết quả đạt được rất đáng trân trọng.

"Đây là cuộc đấu tranh cam go, không ngừng không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, nói đi đôi với làm", ông Chiến nói.

Hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng tuồn ra nước ngoài khiến lòng dân phẫn nộ, xót xa- Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thực tế đã chứng minh như vậy và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu rất quan trọng về vấn đề này.

Trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm 2 ý: Một là chúng ta phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước; hai là phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải triển khai đến tận chi bộ chứ không chỉ làm ở Trung ương.

Ông Chiến cho biết, Mặt trận tiếp thu theo hướng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc phát hiện, giám sát việc xử lý những cá nhân vi phạm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo của Mặt trận sẽ rà soát lại thể hiện đậm nét hơn, rõ ràng hơn về nội dung này.

"Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy lòng dân phẫn nộ, xót xa, ai oán vì các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hàng nghìn tỷ đồng của chúng ta tuồn ra nước ngoài. Vì vậy, phải kiên quyết đấu tranh, thống nhất chủ trương ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, kịch liệt phản đối hành vi tham nhũng, tiêu cực", ông Chiến đề nghị nội dung này phải viết lại theo hướng mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn.

Theo ông Chiến, nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần là phát hiện, giám sát, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước đó, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bởi thực tế, nhân dân chính là người phát hiện nhiều vụ tiêu cực, tham ô, lãng phí thời gian qua.

Hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng tuồn ra nước ngoài khiến lòng dân phẫn nộ, xót xa- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Ông Nguyễn Túc dẫn lại vụ Trịnh Xuân Thanh được phanh phui từ việc nhân dân phản ánh về chiếc xe biển xanh, từ phát hiện đó, các cơ quan vào cuộc mới xác định được tham nhũng.

"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực phải nâng cao vai trò của nhân dân vì hầu hết là phát hiện của dân, chính từ phát hiện đó mà các cơ quan vào cuộc mới xác định được tham nhũng. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa", ông Túc nói.

"Phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu" 

Tại hội nghị này, Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

"Nhưng nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu, mà rất lo, vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, có nhược điểm ta cần tránh, đó là giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước", ông Nhân nói.

Ông Nhân dẫn chứng, Nhật Bản là một quốc gia có thu nhập cao với dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi được 2 con.

"Đất nước họ giàu nhưng người dân không giàu. Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố khủng hoảng lớn nhất của nước này là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng tuồn ra nước ngoài khiến lòng dân phẫn nộ, xót xa- Ảnh 4.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: MTTQ

Ông Nhân cũng dẫn câu chuyện của Hàn Quốc. Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản. Thành tích này của Hàn Quốc cũng để lại hậu quả nặng nề.

Cụ thể là từ năm 2018 GDP của Hàn Quốc nằm ngang, mức sinh năm vừa rồi còn 0,72. Năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc nói "không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai".

Từ thực tiễn của 2 nước trên, ông Nhân cho rằng Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm, phải ứng phó ngay với thực trạng này, nhất là khi năm ngoái mức sinh của Việt Nam lần đầu tiên xuống dưới 2, chỉ ở mức 1,96.

"Chúng tôi nghiên cứu 42 nước có thu nhập cao trên toàn thế giới hiện nay đều không đẻ đủ, bình quân chỉ 1,54 và thực trạng này kéo dài 40 năm rồi", ông Nhân phân tích.

Vì vậy, theo ông Nhân định hướng phát triển đất nước là người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong đó, phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu. Bởi vì hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có, nghèo cũng có hạnh phúc chứ không phải chờ đến khi giàu mới có hạnh phúc.

Theo ông Nhân, Việt Nam cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng không tái tạo được con người, tránh bài học để chậm 25 năm như Nhật Bản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem