Hàng sạch tạo khác biệt

Thứ bảy, ngày 12/07/2014 07:03 AM (GMT+7)
Trương Huy Đạt, 32 tuổi, treo dòng chữ “Không có hàng Trung Quốc” ngay hôm công ty Đạt Trương khai trương showroom. Ở Sài Gòn, mỗi lần nghe ai đó nói “đi Đà Lạt coi chừng bị chặt chém, coi chừng mua phải hàng Trung Quốc”, Đạt thấy ấm ức. Mãi tới khi gia đình gặp khó khăn trong việc bảo vệ những ý tưởng kinh doanh thảo dược, dù rất mê ngành công nghệ thông tin, thích thiết kế web và từng thành công với web Trẻ thơ…, Đạt trở về Đà Lạt xin cha mở showroom để thực hiện ý tưởng đổi mới.
Bình luận 0

LTS: Chuyên đề “Chuyện dài nông sản - tiểu ngạch...” khởi đăng từ số trước trên Thế Giới Tiếp Thị đã nhận được nhiều thông tin phản  hồi phong phú từ cộng đồng doanh nhân. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận những câu chuyện thực tế, cụ thể những nỗ lực của doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị, tìm đầu ra cho nông sản.

img

Trương Huy Đạt trò chuyện về showroom bán hàng sạch ở Đà Lạt.

Người cha (ông Trương Văn Thành), từng nghiên cứu và làm ra sản phẩm cỏ ngọt, trinh nữ hoàng cung, nấm linh chi có sức cạnh tranh, nhưng cách làm cũ bắt đầu dậm chân tại chỗ. Đạt trở về nhà chấp nhận thu nhập ít hơn lúc đi làm ở Sài Gòn rất nhiều, chấp nhận thử thách, trước hết để có lòng tin từ cha mình.

Trong vòng tám tháng (4 – 12.2013) kiên trì tổ chức nguồn hàng sạch cho xưởng chế biến Đạt Trương vừa cung cấp cho các nhà sản xuất khác, showroom Đạt Trương được chính quyền Đà Lạt công nhận “Thương hiệu Xanh”, định vị trên bản đồ Đà Lạt.

Rồi sáu nhà cung cấp củ, quả sạch khác đã tham gia showroom này (chiếm 28% danh mục hàng hoá). Đạt nhận được lời động viên từ sở Y tế và anh hiểu rằng khi Đà Lạt bước vào chiến dịch thanh lọc hàng hoá để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, đặc sản của Lâm Đồng hoàn toàn có thể giành lại vị trí trên mọi quầy kệ.

Đạt bỏ ra số tiền khá lớn để học cách làm thảo dược từ Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và anh phải truyền nghề cho lao động làm việc tại xưởng nấm, lúc đầu vài chục người, nay chỉ còn 4 – 5 người, hầu hết đều lành nghề. “Đạt có sợ người nắm được công nghệ tách ra làm riêng?” Đạt trả lời: “Nếu anh em tách ra làm riêng thì xưởng sẽ bớt tốn công, sẽ chuyển sang đặt hàng, dành sức lo việc khác”.

Nấm linh chi đỏ, artichaut, trinh nữ hoàng cung, phúc bồn tử… chiếm 72% tổng doanh thu, nhưng Đạt thừa nhận doanh số vẫn chưa ổn định, vẫn phụ thuộc mùa du lịch và lòng tin khách hàng.

Riêng mặt hàng mật ong, cơ hội không còn nhiều nữa khi Việt Nam có quá nhiều công ty kinh doanh mật ong. Sau khi có chứng nhận quốc tế, Đạt tìm cách đưa mật ong sang Nhật.

Đối tác thừa nhận chất lượng mật rất tốt nhưng mẫu mã, bao bì chưa ưng ý. Đạt muốn thay đổi từ chai nhựa qua thuỷ tinh nhưng tốn khá nhiều tiền.

Trong khi đó, những thay đổi nhỏ theo từng sản phẩm bắt đầu từ khoản dành dụm chứ không dám vay. “Nếu có tiền thì việc đầu tiên của Đạt là đổi mẫu mã, sẽ bỏ bao bì nhựa chuyển sang xài giấy tái chế”, doanh nhân trẻ này nói.

Nghiên cứu và trồng linh chi đỏ ở Thái Phiên (Đà Lạt) 7 – 8 năm mới thành công. Hàn Quốc được xem là “trùm” nấm linh chi nhưng vẫn về Thái Phiên mua nấm. Họ thừa nhận, cách bảo quản của Đạt Trương: giữ 30% bào tử (hàm lượng dinh dưỡng) và đó chính là khác biệt với nhiều loại nấm trôi nổi trên thị trường, khác hẳn hàng Trung Quốc.

Đạt đam mê thảo dược và có nhiều ý tưởng làm mới hệ thống nhận diện đặc sản thảo dược của gia đình và hình ảnh mới ở Đà Lạt. Khi anh dồn sức cho việc trồng thảo dược theo hướng sạch, thu hút nhiều công ty vào top bán hàng sạch của công ty Đạt Trương, người cha có vẻ tin vào những thay đổi từ con mình.

“Điều đó làm tôi hạnh phúc, nhưng nhìn nhiều cửa hàng bán lẻ trong khu vực trung tâm Đà Lạt thay đổi decor, nâng cấp kiểu dáng bao bì, loại bỏ nhiều sản phẩm mua trôi nổi từ Trung Quốc, hạnh phúc lắm luôn”, Đạt nói.

Nhiều người đi rừng nói rằng cổ linh chi Việt không có giá trị nhưng thực tế họ vẫn mua gom cổ linh chi Việt chở về Trung Quốc, giá nào cũng mua. Thương nhân Trung Quốc từng nhuộm hà thủ ô trắng thành đen thay vì phải nấu hà thủ ô đỏ với đậu đen phơi nắng chín lần. Thị trường vẫn tồn tại hà thủ ô đã hút hết tinh chất từ Trung Quốc rồi gởi xác khô trở lại, tẩm hoá chất thành đen để bán.
Hoàng Lan (Thế giới Tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem