Hàng trăm hộ dân phản đối chính quyền Hải Phòng dẹp ngao để khai thác cát: Lời kêu cứu có thấu "trời cao"? (Bài 11)

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 20/05/2022 13:55 PM (GMT+7)
Ngày 18/5, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã chuyển đơn của 100 hộ dân làm nghề nuôi ngao tới Chủ tịch UBND TP Hải Phòng để xem xét, giải quyết khiếu nại của bà con nông dân liên quan đến thông báo số 232 ngày 10/5/2022 của UBND TP Hải Phòng.
Bình luận 0

Theo đó, các hộ dân Vũ Thị Sen, Văn Đức Ngọc, Mai Văn Phúc, Bùi Thị Tín, Đỗ Văn Trường- đều đang làm nghề nuôi ngao tại Hải Phòng (đại diện cho hơn 100 hộ dân) đã có đơn khiếu nại, tố cáo và làm việc trực tiếp với Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ ) liên quan đến Thông báo số 232 ngày 10/5/2022 về thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại cuộc họp nghe báo cáo việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao tại các khu vực đã được cấp phép khai thác cát ở quận Hải An và quận Kiến Thụy.

Cụ thể, hơn 100 hộ dân không đồng ý với thông báo số 232 và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giữ nguyên hiện trạng và để các hộ dân được tiếp tục nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Kiến Thụy (Hải Phòng): Quy hoạch vùng nuôi ngao “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu - Ảnh 1.

Nghề nuôi ngao đã mang lại sinh kế cho hàng nghìn hộ dân ở Hải Phòng với doanh thu 600-1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: N.C

Theo các công dân trên, các hộ dân đã khai hoang, cải tạo đầm, bãi để nuôi ngao, sò, don từ trước những năm 1992. Đến nay, các hộ dân đã đầu tư rất nhiều tiền của để mở rộng sản xuất nuôi trồng, nếu cưỡng chế theo thông báo sẽ dẫn đến nhiều hộ dân mất nhà, không có công ăn việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân.

Trước kiến nghị trên, ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ) đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hải Hòng để chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo quy định, đồng thời đề nghị thông báo kết quả giải quyết đến Ban Tiếp công dân Trung ương.

Trước đó, ngày 10/5, UBND TP Hải Phòng đã có thông báo  số 232 ngày 10/5/2022 về thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại cuộc họp nghe báo cáo việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao tại các khu vực đã được cấp phép khai thác cát ở quận Hải An và quận Kiến Thụy.

Cuộc họp có sự tham dự của các cơ quan chức năng TP Hải Phòng và 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát (nhưng không có đại diện của các hộ nuôi trồng thủy sản nào được tham dự-PV).

Thông báo này nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Theo đó, chỉ đạo khoanh 2 khu vực để thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao tại quận Hải An với diện tích 1.200ha liên quan đến 4 mỏ cát của các doanh nghiệp: Công ty CP thương mại, xây dựng Tân Vũ, Công ty CP khai thác cát phụ vụ Khu kinh tế, Công ty TNHH MTV kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ và Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Thành Trang và DA xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ.

Tại huyện Kiến Thụy, có 1.000ha nuôi ngao liên quan đến 5 mỏ cát của Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Thành Trang và DA xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Công ty CP đầu tư thương mại Đông Kinh, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thiên Quý, Công ty CP phát triển dịch vụ và thương mại Thành Tín.

Trước mắt, UBND TP Hải Phòng giao các cơ quan chức năng và các công ty tổ chức cắm phao tiêu xác định vị trí từ ngày 15 đến 20/5 tại quận Hải An và từ 15/6 đến 20/6 tại huyện Kiến Thụy.

Trước đó, như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về việc hàng trăm hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy đã có những phản ánh, kiến nghị về việc TP Hả Phòng, huyện Kiến Thụy có quy hoạch vùng nuôi ngao không phù hợp tại cửa sông Văn Úc. Theo quy hoạch này, toàn bộ diện tích nuôi ngao hiện tại của bà con nông dân sẽ bị giải tỏa, di dời, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, an sinh xã hội của hàng nghìn hộ dân.

Trả lời vấn đề này với Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thiện Nhân- Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết: "Ở nơi nào, chỗ nào có cát tặc hoạt động, chứng tỏ chính quyền địa phương đã bị chọc thủng. Tại các cuộc họp Chính phủ, tôi đã nhiều lần phát biểu với tư cách Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này, song cho đến nay việc này vẫn là "biết rồi khổ lắm nói mãi". Tôi đã đi và nhìn những căn nhà hai bên bờ sắp rơi xuống sông vì xói lở nhưng cho đến nay, các địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết cho các hộ dân, chứng tỏ vấn đề vẫn chưa được giải quyết".

Kiến Thụy (Hải Phòng): Quy hoạch vùng nuôi ngao “thụt lùi”, hàng trăm hộ dân kêu cứu - Ảnh 2.

Con ngao trắng đã mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Anh: N.C

Về việc các hộ dân làm nghề nuôi ngao ở Kiến Thụy (Hải Phòng) bị quy hoạch thụt lùi, không đảm bảo quyền lợi như Dân Việt đã phản ánh, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm: "Với thực tế như vậy, lực lượng nông dân làm nghề ở Hải Phòng đâu có tiếng nói. Vì thế, bản thân Hội Nông dân ở đó (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) phải có tiếng nói, rồi Đại biểu Quốc hội địa phương, Đại biểu HĐND cũng phải tham gia, phải nắm bắt được nguyện vọng, kiến nghị của bà con nông dân.

"Đấy là chuyện ở Hải Phòng, có khi vài năm nữa có nhiều nơi khác, bà con ven biển phải di dời khỏi bờ biển, còn các khu vực ven biển đó sẽ bị biến thành khu du lịch và các mục đích khác"- ĐB Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo.

Mới đây (ngày 9/5), Hội nuôi ngao TP Hải Phòng cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nuôi ngao giai đoạn 2016-2021. Theo báo cáo., hiện tổng sản lượng ngao của các thành viên trong Hội nuôi ngao Kiến Thụy ước đạt khoảng 45.000 tấn/năm, giá trị từ 600 - 1.000 tỷ đồng/năm. Nghề nuôi ngao đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, với thu nhập thường xuyên khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động nuôi ngao tại thành phố Hải Phòng có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Với sự khuyến khích của Nhà nước trong các chính sách về nuôi trồng thủy, hải sản, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vươn khơi bám biển. Nhờ có bàn tay con người, khu vực cửa sông Văn Úc đã trở thành một mảnh đất đầy tiềm năng để khai thác. Với nguồn lợi lớn đã đem lại, nghề nuôi ngao đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên hiện nay hoạt động nuôi ngao của bà con chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ tối đa; các chính sách, cơ sở pháp lý dành cho hoạt động này còn hạn chế và nhiều bất cập. Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây, người dân đang phải đối diện với nạn cát tặc tại khu vực nuôi ngao. Các vấn đề tồn tại trên đã gây khó khăn cho bà con trong quá trình khai thác thủy hải sản, dẫn đến nguy cơ mất trắng công sức, tài sản, vốn liếng đã đầu tư.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem