Hàng triệu bệnh nhân nghèo chờ được hỗ trợ

Thứ bảy, ngày 01/12/2012 07:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viện phí tăng cao, bảo hiểm y tế chưa được phổ cập trong khi các chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân nghèo theo Quyết định 14 của Chính phủ vẫn giẫm chân tại chỗ.
Bình luận 0

Điều này khiến hàng triệu bệnh nhân nghèo vẫn chưa được hưởng lợi.

Hỗ trợ theo kiểu... phong trào

Đồng Nai là địa phương tích cực triển khai công tác hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, hiện tỉnh có 2 nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo bị bệnh hiểm nghèo. Đó là Quỹ Bảo trợ trẻ em, với hoạt động hỗ trợ đối tượng trẻ em nghèo bị các dị tật về tim, mắt, sứt môi hở hàm ếch và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư mới hoạt động được hơn 2 năm. Từ 2 nguồn quỹ này, nhiều người nghèo bệnh nặng, đặc biệt là trẻ em, đã được trả lại sự sống. Tuy nhiên, do các nguồn quỹ mang tính chất từ thiện - xã hội nên không ổn định.

img
Khám bệnh cho người nghèo tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Cũng như Đồng Nai, Hà Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 cả nước (sau Điện Biên) với 35% số hộ nghèo. Nghèo đói, thiếu kiến thức khiến đời sống bà con nhân dân vô cùng khó khăn, phát sinh rất nhiều bệnh tật.

Đang nằm điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Bùi Thị Tuyết (huyện Đồng Văn) cho biết: Trung bình mỗi tháng bà phải chi khoảng 2 triệu đồng cho việc ăn, ở đi lại và 1,5 đồng cho việc điều trị. “Lúc tăng viện phí, nghe thấy Nhà nước bảo hỗ trợ dân nghèo khám chữa bệnh, nhưng chờ mãi mà đã thấy đâu. Viện phí tăng, tiền không có, hỗ trợ cũng không, kiểu này chỉ còn nước về nhà chờ chết”- bà nói.

Bà Dương Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Hiện đa phần các chương trình hỗ trợ bệnh nhân đều làm theo kiểu phong trào, mạnh ai nấy làm. Sau một thời gian ngắn thì hết quỹ không thể hoạt động dài hơi. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo lại người có hoàn cảnh khó khăn nên rất nhiều gia đình không thể trụ lại được, đành phải bỏ điều trị giữa chừng”.

Dừng lại ở việc triển khai

Việc Chính phủ ban hành Quyết định 14, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ khám chữa bệnh, các loại bệnh được hưởng hỗ trợ và quy định chi tiết mức hỗ trợ. Để thực hiện điều này, ngành y tế đang phối hợp cùng với Bộ LĐTBXH, Bộ Tài Chính soạn thảo văn bản, xúc tiến xây dựng đề án khôi phục Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn dựa trên những quy định mới của Chính phủ. Quỹ sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các khoản đồng chi trả (với BHYT) và hỗ trợ bệnh nhân nghèo đi lại, ăn ở…

Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh thành lập theo Quyết định 14 sẽ thực hiện hỗ trợ tiền đi về cho bệnh nhân (0,2 lít xăng/km) và chi phí cầu phà (nếu có); cung cấp bữa ăn miễn phí tại bệnh viện; chi trả khoản 5% viện phí cho những bệnh nhân không có khả năng đồng chi trả.

Tuy nhiên, Quyết định 14 ra đời được 8 tháng mà chưa tỉnh nào triển khai được quỹ này. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Y tế Hà Giang), hiện nay chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo chủ yếu được thực hiện theo Quyết định 30A, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và người dân tộc thiểu số khám chữa bệnh, nhưng vì kinh phí có hạn nên việc hỗ trợ này cũng không thấm vào đâu.

Theo quyết định này, mỗi bệnh nhân chỉ được hỗ trợ tiền ăn 25.000/1 ngày. Tiền đi lại thì cũng hạn chế, dưới 100 cây được hỗ trợ 60.000/1 lượt trên 100 cây được 100.000 đồng/1 lượt. Còn quỹ thì vẫn chưa thành lập được.

Ông Phạm Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang cho biết: “Cái khó nhất hiện nay chính là việc chưa xác định được nguồn cấp cho quỹ hoạt động. Trong khi đó, tỉnh cũng chưa có bất cứ một văn bản chỉ đạo nào về việc thực hiện”. Không riêng gì Hà Giang, nhiều tỉnh khác như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai… việc triển khai thực hiện Quyết định 14 vẫn giẫm chân tại chỗ. Vì thế, nhiều bệnh nhân nghèo bệnh nặng không có tiền để đồng chi trả chỉ còn cách hy vọng, chờ đợi hoặc quay về quê chờ chết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem