Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm.
Đây là kết quả rút ra từ cuộc khảo sát Global Burden of Disease (GBD), một chương trình nghiên cứu toàn cầu về các nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong ở mọi quốc gia trên thế giới của nhóm chuyên gia môi trường Greenpeace.
Theo đó, ước tính có 3.283 người Ấn Độ tử vong mỗi ngày(tương đương gần 1,2 triệu người mỗi năm) do các yếu tố liên quan đến ô nhiễm không khí như bụi, bào tử nấm mốc, asen, chì, niken và crom, vốn là những chất gây ung thư.
Không có bất kỳ thành phố nào ở miền bắc Ấn Độ và gần như toàn đất nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng không khí. Đặc biệt, một nghiên cứu năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới còn liệt Thủ đô Delhi vào danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới với một loạt tác nhân như bụi đường, khí thải giao thông, khí thải công nghiệp và việc đốt rơm rạ của người dân.
Bộ trưởng Môi trường Anil Madhav Dave cho biết, các tác hại của ô nhiễm không khí là “một biểu hiện tổng hợp của các yếu tố bao gồm thói quen ăn uống, thói quen nghề nghiệp, tình trạng kinh tế-xã hội, lịch sử y học, miễn dịch, di truyền… của cá nhân”.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc hít thở thường xuyên các chất ô nhiễm có thể tăng nguy cơ đông máu, gây tổn hại đến lượng oxy trong máu và viêm mô thần kinh. “Ô nhiễm không khí mang lại những nguy cơ sức khỏe liên quan đến nhiều loại bệnh tật”, Bộ trưởng nói thêm.
Tuy chậm hơn so với các nước láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề của không khí độc hại nhưng 2 năm qua, Ấn Độ đã tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh chất lượng không khí như sử dụng nhiên liệu sạch, nâng cao tiêu chuẩn về khí thải các phương tiện tham gia giao thông cũng như sử dụng công nghệ sản xuất mới nhằm hạn chế lượng khí thải từ các nhà máy.
Không chỉ ở Ấn Độ, ô nhiễm không khí đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu trong đó người nghèo, người già và trẻ em là những đối tượng phải chịu nhiều gánh nặng nhất. Một báo cáo từ Unicef chỉ ra rằng chất lượng không khí kém là một trong những nguyên nhân gây nên 600.000 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.