Bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay là phi nhân văn (ảnh IT)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc một hành khách trên chuyến bay, đã ngồi vào chỗ ngồi rồi là phải được đối xử đúng với quy định của một khách hàng. Dùng vũ lực để lôi ra khỏi ghế ngồi như vậy là một hành vi phi đạo đức, phi nhân văn. “Khi đàm phán, đền 800 USD người ta không chịu, nếu đền hẳn 4.000 USD thì sao? Xảy ra nước Mỹ tôi thấy cực kỳ ngạc nhiên, nếu bị kiện có thể, hãng United Airlines phải đền tới vài triệu USD chứ chưa nói tới chứng khoán mất giá ở trên sàn”.
Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, đây có thể coi là bài học kinh nghiệm xương máu cho các hãng hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhất là những doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên sàn, việc khách hàng quay lưng lại, tẩy chay các hành động phi nhân văn sẽ gây thiệt hại ghê gớm mà chính doanh nghiệp trước khi xảy ra sự việc còn chưa dám nghĩ đến”.
Cùng chung nhận định trên, Luật sư Hoàng Ngọc - Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự (Hà Nội) phân tích: Việc xin lỗi khách hàng là điều đương nhiên, còn hành vi gây thương tích như vậy thì cần phải xem lại vì có rất nhiều tình tiết xảy ra.
Theo Luật sư Ngọc, thường ở các hãng hàng không trên thế giới vẫn cho phép bán vé quá số lượng ghế quy định. Vì có những người tới phút cuối họ vẫn hủy chuyến bay nên bán quá số ghế là để bù vào những ghế một số hành khách hủy hoặc đổi giờ bay.
Tuy nhiên, hành khách đã lên được máy bay và vào chỗ ngồi rồi là phải qua rất nhiều thủ tục. Tại thời điểm hành khách khi đã lên máy bay là hợp pháp, tức là không mua vé thừa và đã được đảm bảo. Kể cả khi hành khách có mua vé thừa nhưng nếu có kế hoạch cho phi hành đoàn thì cần phải hủy hoặc giải quyết ở ngay quầy bán vé hoặc ở cửa soát vé. Việc mua vé là thực hiện một hành vi dân sự, khi mua là hành khách đã chấp nhận tất cả các quy định của vé đó. Do đó, Khi khách hàng lên máy bay là giao dịch đã hoàn thành.
Luật sư Ngọc cho rằng, hãng hàng không chỉ được yêu cầu dân sự, trừ khi có khủng bố hoặc sự cố an ninh thì phải buộc yêu cầu hành khách thay đổi. Còn trường hợp này khi hành xử, lôi kéo hành khách ra khỏi chỗ ngồi là hành vi cưỡng chế. Dù xem lại clip thì thấy, hành khách bị chảy máu mồm là do quá trình lôi ra, bị va đập chứ không phải bị đánh nhưng đó cũng là một hành vi thô bạo. Dù hành vi gây thương tích với hành khách gốc Việt này là chưa tới hình sự nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là phải bị xử phạt hành chính.
Thông tin từ chính quyền Mỹ cho thấy, đã có 434.000 người đồng ý rời khỏi máy bay của 12 hãng hàng không lớn nhất của nước này trong năm 2016, bao gồm gần 63.000 người sử dụng đường bay của United Airlines.
|
Mặt khác, hành khách này không hề vi phạm gì nhưng lại bị lôi kéo như tội phạm là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, làm tổn thương có thể cả về thân thể, và tinh thần. Khánh hàng gốc Việt này hoàn toàn có thể kiện đòi bồi thường về xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Luật sư Hoàng Ngọc cũng cho rằng, trước đây, sự việc này có thể bị chìm đi nhưng bây giờ mạng xã hội phát triển nên vụ việc đã không bị “chìm xuồng”. “Tôi cũng từng biết có những hãng hàng không khi đang bay, phi hành đoàn hạ độ cao đột ngột mà không thông báo trước, trong lúc tiếp viên thì phục vụ đồ ăn nên nhiều hành khách bị bẩn quần áo. Ngay sau khi hạ cánh, hãng hàng không này đã xin lỗi và tặng ngay cho mỗi hành khách một chiếc áo mới. “United Airlines biết bị thiệt hại như thế thì chắc chắn đã xin lỗi bằng nhiều cách hoặc có thể không hành xử như thế”, Luật sư Ngọc nói.
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng hành vi của United Airlines là không thể chấp nhận được nhưng cũng có quan điểm cho rằng nếu ông David Dao kiện United Airlines thì chưa chắc ông ông David Dao đã thắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.