Hàng vạn lái xe Uber, Grab nguy cơ mất nghề

Thứ ba, ngày 16/01/2018 07:29 AM (GMT+7)
Ô tô cá nhân sẽ không được chạy Uber, Grab nếu không thuộc một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Hàng loạt lái xe Uber, Grab sẽ không được tiếp tục hoạt động nếu không thay đổi.
Bình luận 0

img

Đây là một trong các quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến.

Cởi trói cho taxi truyền thống, siết Uber - Grab

Đáng chú ý, dự thảo đã có một số thay đổi khi dỡ bỏ nhiều rào cản cho các loại hình vận tải truyền thống, trong đó có taxi truyền thống như bỏ quy định về số lượng xe tối thiểu đối với đơn vị kinh doanh vận tải, nới niên hạn của xe taxi từ tối đa 8 năm lên không quá 12 năm…

Tuy nhiên, Bộ GTVT lại muốn “siết” thêm quy định cho các loại hình vận tải như Uber, Grab,... Chẳng hạn, phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, có logo nhận diện,...

Ngoài ra, đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, dự thảo yêu cầu đơn vị cung cấp phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có nhu cầu sử dụng phần mềm để kết nối hợp đồng vận tải điện tử...

Đặc biệt, dự thảo đưa ra yêu cầu: Không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải.

Trao đổi với PV.VietNamNet, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, cho rằng: Như dự thảo trên, hình thức kinh doanh xe hợp đồng điện tử như Uber , Grab sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Có nghĩa, dự thảo quy định chỉ cho phép Uber, Grab kết nối hợp đồng vận tải điện tử với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Tất cả các cá nhân chạy Uber, Grab không thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải như hiện nay sẽ không đủ điều kiện và phải chấm dứt hoạt động.

Anh Nguyễn Văn Tiến, lái xe Grab chia sẻ: Để chạy Grab, tôi cùng nhiều tài xế khác phải làm thành viên của một hợp tác xã vận tải. Mỗi năm, chúng tôi nộp cho hợp tác xã khoảng 1 triệu đồng.

Cùng chung nhận định, một chuyên gia giải thích thêm: Quy định này nếu được thông qua sẽ loại bỏ toàn bộ các xe cá nhân chạy Uber, Grab. Hiện nay, Nghị định 86 yêu cầu xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi chỉ được kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã; chỉ có xe hợp đồng, xe du lịch và xe vận tải hàng hoá thì cho phép các chủ thể rộng hơn được kinh doanh (cá nhân, hộ kinh doanh cá thể).

Thế nhưng, dự thảo lại bổ sung các điều kiện khác với Uber, Grab như đề cập ở trên. Những điều kiện ấy lại tác động trực tiếp đến hoạt động của taxi công nghệ, ngăn cản phương thức kinh doanh mới như Uber, Grab.

Sự bất lợi giữa Uber, Grab với taxi truyền thống đôi khi không phải do thị trường, mà theo TS Phan Đức Hiếu, taxi truyền thống bị bất lợi do chính các quy định của pháp luật.

Ngoài việc phải đầu tư mua sắm xe cộ, chế độ cho người lao động, taxi truyền thống còn chịu nhiều quy định khác. Ví dụ như việc cấm taxi lưu thông trong một số tuyến đường, trong một số giờ. Điều này tạo bất lợi thị trường, hành khách muốn cũng không gọi được taxi truyền thống. Mới đây, Hà Nội cũng đã cấm cả xe hợp đồng như Uber, Grab tại một số tuyến đường.

Tất cả gánh nặng chi phí đó đổ dồn vào giá cước, khiến cước taxi truyền thống cao hơn đáng kể so với taxi công nghệ.

Trong khi đó, Uber, Grab không phải đơn thuần kinh doanh công nghệ. Họ cũng kinh doanh vận tải nhưng không chịu chi phí ở tất cả các khâu như taxi truyền thống. Họ có nhiều lợi thế hơn như không mất tiền mua sắm phương tiện, không phải kí hợp đồng lao động với tài xế nên không chịu nghĩa vụ tiền lương, bảo hiểm... Nhờ đó, giá cước rẻ hơn taxi truyền thống.

Cho nên, theo TS Phan Đức Hiếu, muốn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho taxi truyền thống với taxi công nghệ, thì phải cắt giảm tối đa tất cả điều kiện bất hợp lý đang áp đặt với taxi truyền thống. Như vậy mới thực sự tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng, chứ không phải bình đẳng theo kiểu “giảm cái này một chút rồi nâng cái kia lên một chút”.

“Ta phải chấp nhận hình thức kinh doanh mới làm nền tảng, làm cơ sở để cải tiến cái cũ vì rõ ràng cái mới ưu việt hơn hẳn”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Tương tự, một chuyên gia khác đúc kết: “Nói chung, tôi thấy cách sửa Nghị định 86 này đang ngược. Đồng ý rằng giữa Uber - Grab và các hãng taxi đang không bình đẳng trước pháp luật. Nhưng đáng ra, cơ quan quản lý nên giảm các quy định quản lý taxi, để tiến dần đến, hoặc tiệm cận Uber, Grab. Đằng này, lại nâng các quy định quản lý Uber - Grab, để họ phải chịu các rào cản kinh doanh như taxi truyền thống”.

Có nghĩa, Nghị định 86 cho phép cá nhân, hộ cá thể kinh doanh xe hợp đồng nhưng quy định mới tại dự thảo của Bộ GTVT thì cấm, buộc họ phải vào một doanh nghiệp hoặc một hợp tác xã.

“Tôi nghĩ điều này cũng ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân vì đây là một quy định bắt buộc phải tổ chức dưới dạng doanh nghiệp, hợp tác xã”, vị này phân tích.

Giảm rào cản cho taxi truyền thống

Theo các chuyên gia, vận tải hàng hóa và hành khách đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cho nên, việc sửa đổi Nghị định 86 cần đặt ra mục tiêu thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, kể cả vận tải truyền thống và vận tải theo phương thức mới.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 có đảm bảo mục tiêu ấy? Xem xét dự thảo, TS Phan Đức Hiếu thấy rằng những điều kiện liên quan đến vận tải truyền thống được dỡ bỏ dần, trong khi điều kiện với Uber, Grab có vẻ hơi siết lại.

Cụ thể, các điều kiện bất hợp lý với taxi truyền thống đã được dỡ bỏ như không yêu cầu số lượng xe tối thiểu, trình độ người điều hành, tăng niên hạn sử dụng xe lên 12 năm...

Lương Bằng (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem