Anh N làm nghề xe ôm ở Móng Cái đã gần chục năm. Đưa chúng tôi về nhà khách, anh bảo chỉ chạy xe buổi chiều, còn đêm và sáng, khách có gọi cũng… vẫy tay chào. Sáng N bận ngủ, còn đêm thì bận… chạy hàng lậu.
Kết hợp đủ các nghề, nên thu nhập của N cũng khá. Chúng tôi muốn đến những điểm tập kết hàng lậu ở Móng Cái, N đồng ý làm hướng đạo với điều kiện phải… chi đậm.
Vào "hang cọp"
|
Xe tải thoải mái xuống bến “ăn hàng”. |
Cứ nghĩ đang trong đợt "cấm biên", dân buôn chỉ dám chuyển hàng lậu vào ban đêm. Thế nhưng, N phẩy tay bảo: "Nếu họ đã thực sự cấm thì đêm hay ngày cũng như nhau, hàng nào thoát được! Các ông cứ đi với tôi vào ban ngày ban mặt cho đường hoàng. Yên tâm, các ông sẽ… giật mình đấy!".
Đúng hẹn, sáng hôm sau, N đến đón chúng tôi. Gã bảo sẽ đưa chúng tôi xuống Bến cây số 1. Đây là một trong những bến chuyển hàng lậu rầm rộ nhất Móng Cái và "miễn dịch" với tất cả các "lệnh cấm biên".
Đúng như tên gọi, bến này cách trung tâm Móng Cái có 1 cây số, đường sá rộng thênh thênh. Địa hình ấy đương nhiên thuận tiện cho các lực lượng chống buôn lậu nếu họ… muốn chống. Trời rét căm căm, khoác đủ loại áo ấm mà tôi cứ run bần bật. Run vì rét, run vì sợ. Dân buôn lậu Quảng Ninh nổi tiếng manh động và liều lĩnh.
Cách bến vài trăm mét, N bỗng đỗ xịch xe lại: "Có người gác ở đầu đường xuống bến. Không đi xe máy vào được. Đi bộ thôi!". Theo hướng chỉ của N, tôi thấy có chiếc ôtô đỗ ngay đầu đường. Có người gác thật. Gửi xe, chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp, chúng tôi lầm lũi theo N xuống bến. Qua nơi chiếc xe đỗ, thấy có bóng người lố nhố bên trong. Tôi không nhìn rõ đó là ai và cũng chẳng thấy ai hỏi gì mình.
Một mình một chợ
Lầm lũi đi, chỉ mấy chục bước chân, chúng tôi đã có mặt tại bến thuyền. Và, đúng như N nói, người ta "cấm biên" ở đâu chứ chẳng cấm ở đây. Hàng loạt thuyền máy nổ ình ình, vào ra tấp nập. Trên bờ, mấy chiếc ôtô tải mở thùng cho cửu vạn bốc hàng. N bảo, tại "cửa khẩu" này có 2 bến xuất - nhập hàng, dân buôn thường gọi bến 1 và bến 2.
Sự xuất hiện đường đột của chúng tôi chẳng khiến đám dân buôn cũng như cửu vạn để ý.
Điều này có thể cắt nghĩa: Thứ nhất, họ nghĩ việc họ làm là quá đỗi bình thường nên chẳng cần để mắt tới ai. Thứ hai, bởi bến quá đông lại mải chuyển hàng nên không ai để ý có người lạ xuất hiện. Sau khi lượn lên lượn xuống mấy vòng, tôi nghiêng hẳn về giả thiết thứ nhất.
Bởi ngay chỗ hàng lậu được chuyển từ xe xuống thuyền và ngược lại là Trạm Kiểm soát số 1, trực thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái. Trạm đóng ở trên cao, cách bến chừng hơn chục mét.
Những ngày "cấm biên" này thì trực chiến cả ngày lẫn đêm nên chẳng có lý do gì để không thấy dân buôn lậu đang rầm rộ chuyển hàng. Nhìn lên Trạm, tôi thấy nhốn nháo người. Trong số ấy có cả người mặc sắc phục bộ đội biên phòng.
Thu thập đủ thông tin ở bến 1, N dẫn tôi sang bến 2, cách đó chừng vài trăm mét. Vẫn cảnh tàu thuyền huyên náo. Trên bờ, những chiếc ôtô tải xếp thành hàng dài chờ đổ hàng. Không biết người ta xuất lậu hàng gì mà xe cứ đổ ben rầm rầm. Lại gần một đống hàng bốc mùi khó chịu, tôi lia máy quay cận cảnh.
Ối giời, cơ man là chân gà! Nhìn dưới đất, chân gà vương vãi khắp nơi. N bảo, mình xuất chân gà “thô” sang nước bạn và lại nhập về chân gà đã qua sơ chế. "Bốc mùi khó ngửi thế thôi nhưng chẳng biết họ làm thế nào mà khi nhập về, nhậu ngon đáo để!" - ghé sát tai tôi, N thì thào.
Trưa hôm sau, vẫn trên chiếc xe chuyên thồ hàng lậu của N, chúng tôi quay lại "cửa khẩu". Phóng xe thẳng vào bến số 1, nơi có Trạm Biên phòng chốt chặn, chúng tôi vẫn thấy cảnh buôn lậu vẫn diễn ra hết sức bình thường.
Thuyền vẫn hối hả cập bến, xe tải bốc hàng vẫn nối đuôi nhau vào ra. Trên Trạm, mấy người mặc sắc phục sĩ quan biên phòng, tay cầm bộ đàm vẫn… ngồi canh. Dưới bến, cũng một người mặc sắc phục sĩ quan biên phòng, đầu đội mũ cứng, gắn sao đi đi, lại lại giữa bộn bề hàng hóa...
Cứ mỗi khi có xe xuống bốc hàng, lại có người chạy đến người mặc sắc phục biên phòng. Họ nói với nhau những gì, truyền tay nhau thứ gì chẳng ai rõ. Nhưng bất kể ai cũng phải làm "thủ tục" đó rồi mới được phép đánh hàng đi.
Đào Thanh Tuy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.