Cụ thể, nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất Trung Quốc BYD đã đặt mục tiêu mở rộng ra hơn 15 thị trường quốc tế sau khi vượt qua Tesla và các đối thủ khác trên sân nhà.
Chỉ trong tháng này, BYD đã công bố các động thái bán lẻ vào Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Israel và Thái Lan. Tại Trung Quốc, BYD đã vượt xa Tesla và các đối thủ khác về thị phần xe điện và các loại xe năng lượng mới khác. Loại xe này hiện chiếm hơn 20% doanh số bán xe mới ở Trung Quốc và thị trường này đang mở rộng nhanh chóng.
Sự cạnh tranh của BYD với Tesla tại đây đã thúc đẩy công ty Trung Quốc cải thiện đáng kể chất lượng xe điện của mình. "Chỉ vài năm trước, xe điện ở mức độ không đáng để coi trọng, nhưng bây giờ chúng đã ở một mức độ mà cần rất nhiều nghiên cứu để phát triển ra bất cứ thứ gì trông giống như một xu hướng đón đầu bền vững, xanh sạch", một nhân viên của một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết.
Tháng 8 năm ngoái tại Na Uy, BYD đã ra mắt Tang - mẫu xe thể thao đa dụng đầu tiên của công ty dành cho thị trường châu Âu. Điều này đã khởi đầu cho sự mở rộng ổn định mạng lưới bán hàng của nhà sản xuất ô tô này.
Bên cạnh châu Âu, BYD đã bắt đầu tấn công ở châu Á. Công ty đã thông báo vào tháng 7 rằng họ sẽ phát hành ba mẫu xe EV tại Nhật Bản, bắt đầu từ năm 2023. Tại Thái Lan, nhà sản xuất ô tô có kế hoạch xây dựng một nhà máy EV, theo truyền thông địa phương đưa tin.
Thậm chí, BYD có kế hoạch xuất khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất sang các thị trường mới này. Ở Trung Quốc, tay lái chủ yếu ở bên trái, nhưng BYD sẽ bán xe cầm lái bên phải ở Nhật Bản và Úc. Công ty cũng đang đảm bảo rằng hệ thống sạc phù hợp với các tiêu chuẩn địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu và xuất khẩu của Trung Quốc, BYD cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất xe và các bộ phận quan trọng tại Trung Quốc. Cu thể, một nhà máy phụ tùng xe điện đang được xây dựng ở Shanwei, một thành phố ven biển ở tỉnh Quảng Đông, với giá 25 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD). Cơ sở này sẽ gần một cảng quốc tế và việc sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2023 với công suất hàng năm tương đương cung cấp phụ tùng cho khoảng 600.000 phương tiện.
BYD, một nhà cung cấp pin EV chính, đã có chiến lược ban đầu tập trung vào khu vực công như một cách để đạt được sự công nhận cho thương hiệu xe của mình. Xuất khẩu xe điện của họ bị hạn chế phần lớn ở xe buýt, xe tải và các loại xe thương mại khác. Công ty cho biết họ hoạt động tại hơn 400 thành phố tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhưng doanh số bán xe bên ngoài Trung Quốc vẫn ở mức tối thiểu: BYD chỉ xuất khẩu 9.921 xe trong bảy tháng đầu năm, theo một công ty môi giới Trung Quốc - chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh số bán hàng trong giai đoạn này.
Theo Hua Chuang Securities, với việc BYD đang tiến vào châu Âu, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và các nơi khác, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lên từ 300.000 đến 500.000 chiếc vào năm 2025.
BYD đã kết thúc sản xuất các loại xe chỉ chạy xăng vào tháng 3 này, nhưng doanh số bán xe chở khách của họ đã đạt mức 800.000 chiếc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, đã vượt qua con số thống kê cả năm cho năm 2021. Ngoài loạt xe điện Dynasty, năm nay BYD đã cán đích ra mắt loạt mẫu Ocean hướng đến những người mua xe trẻ tuổi hơn.
BYD tuần trước cũng đã báo cáo lợi nhuận ròng 3,5 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, cao hơn gấp ba lần so với kết quả của năm trước đó. Tuy nhiên, công ty không thể cân đối khi chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng tăng giá, do đó tỷ suất lợi nhuận gộp mảng ô tô giảm 1,7 % xuống còn 16,3%.
Trước khi công bố thu nhập, Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett đã cắt bớt lượng cổ phiếu BYD niêm yết tại Hồng Kông, một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán cho thấy. Đây là lần đầu tiên Berkshire bán cổ phiếu BYD kể từ khi công ty đầu tư mua lại nhà sản xuất ô tô này vào năm 2008.
Những điều không chắc chắn vẫn còn trong chiến lược mở rộng toàn cầu của BYD. Đầu tiên, sự tăng trưởng của thị trường xe năng lượng mới của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp hào phóng của nhà nước. BYD là bên nhận nhiều nhất, với tổng số tiền trợ cấp bán hàng cho công ty lên tới hơn 5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.
Trong tương lai, BYD phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trong và ngoài nước, làm dấy lên lo ngại về khả năng sinh lời ngày càng giảm sút.
Vào giữa tháng 8, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm trụ sở Thâm Quyến của BYD, ông đã cam kết hỗ trợ sự phát triển của công ty. Tuy nhiên, mối quan hệ ấm cúng như vậy với nhà nước Trung Quốc như vậy có thể gây ra những lo ngại ở nước ngoài.
Vẫn còn phải xem liệu BYD có thể vượt mặt các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu khi họ tăng tốc vào thị trường xe điện hay không.
"Bây giờ không phải cá lớn nuốt cá bé", người sáng lập BYD và Chủ tịch Wang Chuanfu nói trong cuộc họp cổ đông vào tháng 6 này, theo truyền thông Trung Quốc. "Đó là cá nào ăn nhanh, cá nào ăn chậm mà thôi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.