Hành động nào của Tào Tháo giúp Tào Ngụy trở nên mạnh nhất thời Tam Quốc?

Thứ tư, ngày 20/01/2021 10:32 AM (GMT+7)
Dưới sự thống trị của Tào Tháo, Tào Ngụy hùng mạnh hơn hẳn so với Thục Hán và Đông Ngô. Để có được kết quả này, không thể không nhắc đến 1 hành động khôn ngoan của Tào Tháo.
Bình luận 0

Bị phản bội vẫn sẵn sàng tha thứ

Ban đầu khi Tào Tháo còn ở Duyện Châu, cho Tất Kham làm quan Biệt giá. Sau này Trương Mạc phản bội Tào Tháo, còn cướp đi mẹ, em trai, vợ và con của Tất Kham. Tào Tháo đã xin nhận lỗi với Tất Kham, để ông ta đi theo Trương Mạc.

Tất Kham lại dập đầu tỏ ý mình không hề hai lòng, thề chết đi theo Tào Tháo, ngay cả Tào Tháo cũng cảm động đến mức nước mắt đầm đìa. Nhưng khi vừa có cơ hội, Tất Kham đã chạy mất.

Về sau Tào Tháo đánh bại Lã Bố, bắt sống được Tất Kham. Mọi người đều lo lắng thay Tất Kham. Tào Tháo lại nói rằng:

Nếu một người có thể hiếu thuận với người thân của mình, vậy sao có thể phản bội chủ của mình? Người như vậy chính là kiểu ta cần! Ông chẳng những không giết Tất Kham mà còn cho ông ta làm Lỗ tướng.

Ban đầu Nguỵ Chủng nhờ Tào Tháo tiến cử nên mới có được chức Hiếu Liêm (là một chức quan nắm quyền cai trị ở cấp bậc trung bình của chính quyền địa phương), về sau Duyện Châu có kẻ nổi loạn, Tào Tháo đã nói: Nguỵ Chủng sẽ không bỏ lại ta đâu.

Kết quả nghe nói Nguỵ Chủng cũng đã bỏ chạy, điều này chẳng khác gì Tào Tháo đang tự vả vào mặt mình. Tào Tháo tức giận nói: Ta sẽ không bỏ qua cho hắn.

Nhưng sau khi tấn công Khuyển Thành và bắt sống Nguỵ Chủng, Tào Tháo lại nói: Nguỵ Chủng là một nhân tài! Vậy là Tào Tháo lại tiếp tục dùng Nguỵ Chủng.

Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, ông phát hiện có rất nhiều thuộc hạ của mình trao đổi thư từ với Viên Thiệu. Có người khuyên hãy bắt hết những kẻ đó ra giết chết nhưng Tào Tháo không hề làm vậy.

Ông cho người đốt hết những bức thư đó và nói rằng: Khi ấy ngay chính bản thân ta cũng không biết có thể sống tiếp không, huống chi là người khác?

Hành động này của Tào Tháo đã giúp Tào Ngụy trở nên mạnh nhất trong 3 nước Tam Quốc: Người thời nay nên học hỏi! - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.

Khi xưa Viên Thiệu tấn công Tào Tháo, Trần Lâm đã viết "Vi Viên Thiệu hịch Dự châu văn", mắng chửi Tào Tháo thậm tệ, thậm chí không bỏ qua cho mười tám đời tổ tông, nhưng sau khi bắt sống Trần Lâm, Tào Tháo vẫn không giết ông ta mà giữ lại dùng.

Với Tào Tháo mà nói, ông có thể thông cảm cho người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nghĩ thay họ, cho dù gặp phải sự phản bội cũng sẽ tha thứ. Bởi vậy đối với những người này, có thể gặp được một vị minh chủ như vậy, sao có thể không thề chết dốc sức phò tá chứ?

Đạo dùng người của Tào Tháo

Quách Gia là mưu sĩ được Tào Tháo thích nhất, ông trẻ tuổi hơn Tào Tháo. Tào Tháo vốn định gửi gắm việc sau này cho Quách Gia, nhưng Quách Gia lại qua đời ở độ tuổi tráng niên. Tào Tháo dẫn đầu các quan đến viếng Quách Gia, khiến những người dưới quyền đều cảm động.

Điển Vi là một trong những đại tướng trong tay Tào Tháo. Trong trận Uyển Thành, vì mê đắm sắc đẹp của chị dâu Trương Tú, Tào Tháo đã bị Trương Tú phản bội. Kết quả là Điển Vi đã dốc sức chiến đấu để bảo vệ Tào Tháo, bị thương nặng mà chết.

Trong trận này, Tào Tháo cũng mất đi con trai cả là Tào Ngang và cháu là Tào An Dân, Tào Tháo đích thân làm lễ tế Điển Vi, còn nói: Trong trận chiến lần này, con trai và cháu trai ta đều chết trận, ta đều chẳng mấy đau lòng, chỉ cảm thấy xót xa vì sự ra đi của Điển Vi!

Với những võ tướng mà nói, đây quả thật là một vinh dự tột bậc. Bởi thế các đại tướng trong tay Tào Tháo ai nấy đều cảm động, liều chết vì ông.

Về sau, Tào Tháo bị Mã Siêu đánh bại. Để cứu Tào Tháo, Tào Hồng đã nhường ngựa cho ông và nói rằng: Thiên hạ có thể không có Tào Hồng, nhưng không thể không có Tào Công.

Hứa Chử cứu Tào Tháo, một tay nâng yên ngựa làm khiên chắn, một tay chèo thuyền, cuối cùng cũng cứu được Tào Tháo. Có thể nói, những việc này có liên hệ mật thiết tới đạo dùng người của Tào Tháo.

Hành động này của Tào Tháo đã giúp Tào Ngụy trở nên mạnh nhất trong 3 nước Tam Quốc: Người thời nay nên học hỏi! - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.

Chưa dừng lại ở đó, những khi thua trận Tào Tháo thường ôm hết trách nhiệm về mình, thắng trận lại nhường công lao cho thuộc hạ, đối xử công bằng với mọi người, bất kể là người trong cùng dòng tộc hay quan viên khác họ, đều được thưởng phạt rõ ràng.

Những điều này tuy là nghệ thuật dùng người của Tào Tháo, nhưng cũng là biểu hiện cho tấm lòng thành của ông. Bởi thế những thuộc hạ của Tào Tháo, từ mưu sĩ cho đến võ tướng đều cam tâm tình nguyện phục vụ quên mình, đến chết mới thôi.

Năm xưa khi Tào Tháo và Viên Thiệu cùng khởi binh, Viên Thiệu hỏi Tào Tháo: "Nếu như việc lớn không thành, ta có thể dựa vào nơi nào?"

Tào Tháo hỏi: "Ông tính sao?"

Viên Thiệu trả lời: "Phía Nam ta sẽ chiếm sông Hoàng Hà, phía Bắc ngăn chặn Yến, Đại, Kiêm và Di Địch, xuống phía Nam tranh thiên hạ, có thể thành công không?"

Tào Tháo nói: "Ta bổ nhiệm những người tài trong thiên hạ, dùng đạo nghĩa để lãnh đạo họ, dù thế nào cũng không thể không thắng lợi."

So sánh liền biết ngay cao thấp. Về phương diện dùng người, Tào Tháo chọn nhân tài không hạn chế trong một kiểu, hễ giỏi sẽ được tiến cử. Ngoài có được thiên thời, quan trọng là chính quyền Tào Nguỵ có được những nhân tài xuất chúng mỗi người một vẻ, đó mới là nguyên nhân chính giúp họ hùng mạnh hơn so với Đông Ngô và Thục Hán.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem