Hành hung, bắt bác sĩ quỳ là đỉnh điểm của man rợ, bạo ngược

Hà Phạm Thứ ba, ngày 20/06/2017 06:17 AM (GMT+7)
Bác sĩ Vinh ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam bị đánh, bị bắt quỳ đến mức tổn thương tủy, cột sống, xương đĩa đệm và vùng cổ. Còn ai muốn làm bác sĩ nữa hay không? Còn ai muốn cứu chữa bệnh nhân nữa hay không, nếu cứ tiếp diễn tình trạng này?
Bình luận 0

Hồi nhỏ, tôi nghe mẹ kể: xưa ông ngoại dạy mẹ tôi, có hai nghề được gọi là thầy, phải viết hoa cho đủ nghĩa: Thầy - là Thầy giáo và Thầy thuốc. Dạy người và cứu người, công ấy lớn lắm. Được gọi là Thầy, nghĩa là phải coi như cha mẹ, phải rất kính trọng.

Tôi biết, chỉ cần viết ba dòng này, sẽ có một số bạn nhảy lên mà comment rằng xưa khác, nay khác. Thầy giáo, thầy thuốc bây giờ chẳng phải ai cũng xứng đáng làm thầy, thầy viết thường chứ đừng nói viết hoa.

Giáo viên với bác sĩ đầy rẫy những tiêu cực, gây ra vô vàn bức xúc, nên muốn được kính trọng nhé, còn lâu. Lương tâm nhà giáo với y đức từ nhiều năm rồi bị đánh giá là giảm sút nghiêm trọng. Tất nhiên không phải không có những lý do để người ta nói ra điều ấy.

img

Đối tượng Trần Tuấn Anh (25 tuổi, ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) đã bị cơ quan công an tạm giữ vì hành hung, bắt bác sĩ Vinh quỳ. Ảnh: VNN

Nhưng cái lối nghĩ mình có quyền phán xét và kết tội ai đó không thể coi là đúng trong hầu hết mọi trường hợp, nhất là từ nghĩ xấu dẫn đến hành xử man rợ, thì càng kinh khủng.

Những chuyện bạo ngược hôm nay với những người được gọi là thầy, nhẽ ra phải được gọi là Thầy, chính là kết quả của lối nghĩ ấy kéo dài trong nhiều năm, bất chấp đúng sai.

Ngày 17.6, bố của một bệnh nhi và một đồng phạm tay lăm lăm hung khí, kéo đến Bệnh viện Thể thao Việt Nam, kéo lê người bác sĩ mà anh ta cho rằng đã chuẩn đoán bệnh cho con mình sai từ ngoài cổng vào sảnh, đánh đập, bắt quỳ để xin lỗi, là đỉnh điểm cho những hành vi bạo ngược và man rợ. Đáng buồn, nó không phải sự lạ trong hành lang bệnh viện từ ít lâu nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ 3 tháng đầu năm nay, có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ ngay trong bệnh viện bằng việc hành hung, đe dọa, gây rối. Thống kê cũng cho biết vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), bệnh viện tuyến Trung ương (20%). 70% người bị hành hung là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.

img

Dọa dẫm, đánh bác sĩ là hành vi không thể chấp nhận nổi.

Nghề y là nghề cao quý, muốn nói cách nào, đấy vẫn là nghề cứu người. Và những tiêu cực mà người ta lên án cũng không phải việc ngành y không biết. 7.000 cán bộ nhân viên ngành y bị kỷ luật trong thời gian vừa rồi như trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội cho thấy những cố gắng làm trong sạch ngành. Nhưng sẽ là bất công khủng khiếp nếu chỉ nhìn vào những hiện tượng xấu của ngành y.

Bất công hơn nữa khi tự đánh giá việc khám chữa bệnh của bác sĩ không dựa trên những kết luận chuyên môn. Bác sĩ cũng không phải là thánh để lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng cứu được bệnh nhân, lúc nào cũng chữa lành bệnh…

Làm bác sĩ trong môi trường hành nghề còn nhiều bất cập như ở nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, phương tiện vật chất chưa đồng bộ hoặc còn thiếu thốn, sai lầm có thể xảy ra là chuyện khó tránh khỏi, dù không ai muốn.

Có bác sĩ nào không muốn chữa cho bệnh nhân, có bác sĩ nào mong điều xấu cho những người mình cần cứu chữa?

Khi chúng ta cứ nghĩ mãi một điều, rằng ngành y tiêu cực lắm, cũng gần như chúng ta cho rằng việc có ai đó hành xử côn đồ là hệ quả tất yếu.

Những bác sĩ đang hết lòng vì bệnh nhân một ngày nào đó cũng có thể phạm sai lầm, có thể bị đánh đập, làm nhục ngay chính trong bệnh viện của mình, trước mặt đồng nghiệp, trước mặt những bệnh nhân khác.

Bác sĩ V. ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam bị đánh đến mức tổn thương tủy, cột sống, xương đĩa đệm và vùng cổ.

Nhưng vết thương đau nhất chắc chắn là ở bên trong tâm hồn, một sự tổn thương tinh thần không gì có thể bù đắp.

Còn ai muốn làm bác sĩ nữa hay không? Còn ai muốn cứu chữa bệnh nhân nữa hay không, nếu cứ tiếp diễn tình trạng này?

Cách đây ít hôm, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một nữ đại biểu đã đưa ra một ý kiến rất lạ tai rằng nên coi là tội hình sự việc bôi nhọ và xúc phạm lãnh đạo.

Luật pháp coi việc xúc phạm, làm nhục, làm tổn thương tinh thần hay cơ thể người khác đều là có tội, lãnh đạo cũng như dân thường.

Nhưng giả sử bàn đến điều ấy, tôi mong có ý kiến đưa ra tại cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước một đề nghị tương tự với các bác sĩ, thầy giáo.

Bởi chẳng mong đợi lắm những dạy dỗ trong gia đình về chữ Lễ, chữ Kính, một khi các ông bố bà mẹ chỉ tức giận với bác sĩ, thầy giáo là sẵn sàng nách thước tay đao lao đến bệnh viện hay giảng đường.

Man rợ và bạo ngược chưa bao giờ dễ thế này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem