Hạnh phúc luôn mỉm cười

Chủ nhật, ngày 08/08/2010 12:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi còn nhớ như in những khoảnh khắc cuối cùng khi phải rời xa vĩnh viễn đôi tay của mình. Tháng 1-1953, đội du kích xã Thái Hồng (Thái Thụy, Thái Bình) tham gia chiến dịch "Con cóc", tôi vừa tròn 20 tuổi.
Bình luận 0
img
Suốt 57 năm qua, đôi chân bà Thao đã làm mọi việc thay đôi tay đã mất.

Phải hứng trọn quả đạn pháo 75 ly của địch, đội du kích tổn thất rất lớn, riêng tôi, đôi cánh tay bị dập nát. Cái tin phải tháo khớp cả hai tay mà người bác sĩ quân y thông báo cho tôi ngày ấy, còn đáng sợ hơn cái chết. Tôi đã khóc lóc, xin vị bác sĩ hãy để tôi chết, bởi tôi hiểu, không có tay, nghĩa là mọi sự đã chấm hết. Vậy mà tôi vẫn sống...

Tôi được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên (Hà Nam) cuối năm 1953 trong tình cảnh: Tuổi đôi mươi mà mọi sinh hoạt từ chải đầu, thay quần áo đến ăn uống, vệ sinh cá nhân... đều phải nhờ tới bàn tay của người khác. “Phải tự tập làm cho quen, chứ nhờ mọi người mãi sao được!" - tôi tự nhủ.

Trên hai cánh tay chỉ còn ít thịt ở đầu bắp, tôi nhờ người buộc bút chì vào đó để tập viết, mặc cho sau mỗi lần tập, mẩu tay lại tím bầm, đau nhức. Tập kiểu đó không được, tôi chuyển sang tập viết bằng chân. Đêm đêm, chờ mọi người chìm vào giấc ngủ, tôi giở trang giấy trắng, kẹp cây bút chì vào ngón chân, đánh vật với những đường nguệch ngoạc, mồ hôi đầm đìa chan cùng nước mắt.

Chẳng biết bao nhiêu đêm thức trắng, bàn chân tôi mới đưa được chiếc bút chì theo ý muốn. Tôi đã bật khóc khi viết được những dòng thư đầu tiên từ đôi chân để hỏi thăm đồng đội ngoài mặt trận. "Tao nhận được thư mà không tin vào mắt mình nữa. Nét chữ không có gì thay đổi lắm so với ngày trước. Tao phục mày lắm..." - những dòng thư hồi âm từ cô bạn thân đã tiếp thêm niềm tin cho tôi.

Viết được, tôi nghĩ cách tạo ra một dụng cụ gắn vào phần tay cụt, vừa cài được thìa tự xúc cơm ăn, vừa giữ được một số đồ vật nhẹ... Sau mấy tháng miệt mài, tôi đã có thể dùng chân tự khâu vá được những quần áo sứt chỉ của mình. Miệt mài tập luyện bằng cả niềm tin, quyết tâm và lòng tự trọng, giờ đây, đôi chân của tôi đã có thể sàng gạo, đeo kính, chải đầu, giở sách báo, đi tất, vặn vòi nước, tắm giặt, lau nhà, xới đất, trồng rau, tưới nước, nhổ cỏ... Tôi thấy mình sống có ích hơn.

Không còn đôi tay, một mái ấm gia đình với tôi là giấc mơ không có thật. Nhưng số phận đã ban tặng cho tôi một người chồng tuyệt vời dù ông cũng là thương binh nặng. Chúng tôi dựa vào nhau trong một căn hộ xinh xắn ở Trung tâm điều dưỡng, tình yêu kết nụ, nhưng cả hai lần mang thai đầu tiên đều hỏng, bởi tôi không có tay chẳng may bị ngã không có gì để chống đỡ.

Lần mang thai thứ 3, nghe con trai cất tiếng khóc chào đời, tôi vừa vui mừng, hạnh phúc, vừa hoang mang bởi không biết sẽ phải chăm con thế nào. Mỗi lần cho con bú, tôi phải nhờ chồng bế cháu lên sát ngực. Vĩnh Thái (tên con tôi) chịu thiệt thòi chưa bao giờ được nằm trong vòng tay ấm áp, nâng niu của mẹ. Tôi bù đắp cho con bằng tình thương và "tự chân" lo tất tật các việc như thay tã, tắm giặt...

Giờ đây, tôi đã đi qua 77 mùa xuân, người chồng thân yêu không còn và Vĩnh Thái đang công tác ở rất xa. 57 năm vắng bóng đôi tay, vậy mà hạnh phúc vẫn luôn mỉm cười với tôi. Mỗi bình minh tôi dậy sớm, dọn dẹp cửa nhà, tỉa hoa, tưới rau và từ lâu cảm giác thiếu hụt đôi tay với tôi đã không còn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem